Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 08/2022 nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 11.730 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng ACB phát hành trái phiếu nhiều nhất với 3.300 tỷ đồng qua 5 đợt chào bán có kỳ hạn từ 1 đến 2 năm. Tiếp đến là ngân hàng OCB với 2.800 tỷ đồng với kỳ hạn đều 3 năm và Ngân hàng Vietcombank với 1.690 tỷ đồng.
Nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai, phát hành 1.800 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 1 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và 1 đợt của CTCP Đầu Tư và Kinh Doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH).
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, hóm Ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt gần 119.633 tỷ đồng, tương đương 54,2% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 91.998 tỷ đồng, chiếm 76,9%.
Ở một diễn biến khác, trong tháng 8/2022, nhiều ngân hàng ồ ạt mua lại hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Điển hình tại ‘ông lớn’ ngân hàng Vietcombank, trong lúc chờ nới room tín dụng đã mua lại tổng cộng 2.270 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8/2022.
Cụ thể, ngày 31/8/2022, Vietcombank đã mua lại toàn bộ 170 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu riêng lẻ mã VCB-BOND-RL10-2017-5 tăng vốn phát hành vào ngày 31/8/2017 và ngày đáo hạn là 31/8/2027. Lô trái phiếu này có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Ngày 24/8 vừa qua, ngân hàng Vietcombank cũng đã mua lại 200 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu mã VCB-BOND-RL10-2017-4. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 10 năm được phát hành vào ngày 24/8/2017, đáo hạn vào ngày 24/8/2027 với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, khối lượng phát hành 200 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 16/8, nhà băng này đã mua lại 900 tỷ đồng trái phiếu trước hạn phát hành năm 2017 mã VCB-BOND-RL10-2017-2 có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, khối lượng phát hành là 900 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 10 năm, đáo hạn ngày 16/8/2027.
Ngày 10/8, ngân hàng Vietcombank đã hoàn tất việc mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu riêng lẻ mã VCB-BOND-RL10-2017-1 với mệnh giá 100.000 đồng/ trái phiếu. Lô trái phiếu này phát hành thành công vào ngày 10/8/2017, kỳ hạn 10 năm, đáo hạn ngày 10/8/2027.
Đáng nói, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 7/2022, nhà băng này chưa hề có động thái mua lại trái phiếu trước hạn.
Cũng trong tháng 8/2022, ‘ông lớn’ Vietcombank đã huy động thành công 1.690 tỷ đồng trái phiếu qua 3 đợt phát hành. Đợt 1, ngân hàng phát hành ngày 9/8/2022 với giá trị 1.500 tỷ đồng có kỳ hạn 8 năm; đợt 2 phát hành ngày 15/8/2022 với giá trị 100 tỷ đồng có kỳ hạn 10 năm và đợt 3 phát hành ngày 24/8/2022 với giá trị 90 tỷ đồng, cũng kỳ hạn 10 năm.
Ngoài ngân hàng Vietcombank, tháng 8/2022, ngân hàng VIB cũng đã mua lại trước hạn hai lô trái phiếu mã VIBBONDH2023007 có giá trị 900 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm. Lô trái phiếu này phát hành thành công ngày 26/8/2020 và đáo hạn ngày 26/8/2023. Lô trái phiếu thứ hai mã VIBBONDH2023008 có giá trị 1.400 tỷ đồng, cũng kỳ hạn 3 năm. Ngày phát hành thành công là 27/8/2020 và ngày đáo hạn là 27/8/2023. Tổng cộng, VIB đã bỏ ra 2.300 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn.
Ngân hàng MSB cũng mua lại hai lô trái phiếu phát hành năm 2020 có kỳ hạn 3 năm với tổng giá trị gần 2.000 tỷ đồng.
Động thái mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng vốn đang ở trạng thái khá căng thẳng. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2022 đạt 9,35%, trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,5%. Tình trạng căng thẳng thể hiện rõ nhất ở diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng dựng đứng. Chỉ trong hơn 10 phiên giao dịch, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từ mức 1,99%/năm ngày 16/8 đã vọt lên 6,48%/năm vào ngày 7/9.
Quay trở lại với Vietcombank, ngày 7/9 vừa qua, nhà băng này được Ngân hàng nhà nước chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến 31/12/2022 so với mức trần cũ 15%. Như vậy, trong suốt cả năm 2022, Vietcombank được tăng tín dụng ở mức 17,7%. Do đó, dư địa cho vay mới của nhà băng này trong 4 tháng cuối năm 2022 sẽ còn khoảng 32.000 tỷ đồng.
Theo đại diện ngân hàng Vietcombank, để được NHNN chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến cuối năm 2022, trong thời gian vừa qua, Vietcombank đã nỗ lực để đạt được xếp hạng A theo Thông tư 52 của NHNN về quy định xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, nhà băng này đã thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu về an toàn vốn, về thanh khoản, về chất lượng điều hành cũng như đạt kết quả tốt về hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã thực hiện tốt các chỉ đạo của NHNN như giảm lãi suất, cho vay đối với doanh nghiệp và người dân cũng như hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết