Ngân hàng và sức ép hiện nay

Hiện nay, ngành ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với sức ép từ nhiều phía. Rủi ro từ thanh khoản, tỷ lệ cho vay, biển Đông đang trong tình trạng căng thẳng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới ngân hàng.

Đến từ doanh nghiệp

Khách hàng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách hàng của các ngân hàng, mà các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nên nhu cầu về tín dụng không cao.

Trước đây, hai ngành thường có nhu cầu vay vốn nhiều là sản xuất thép và xi măng thì nay phải giảm công suất và sản lượng do nhu cầu trong nước giảm. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn kinh tế suy thoái đã phải tạm dừng hoạt động, phá sản.

Ngân hàng và sức ép hiện nay - Ảnh 1
Nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp hiện nay giảm sút.

Một số doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động thì lại gặp khó khăn, nên ít có nhu cầu vay vốn hoặc nếu có nhu cầu thì lại không đủ điều kiện để được cho vay. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đa phần làm ăn có hiệu quả nhưng ít có nhu cầu vay vốn của các ngân hàng thương mại Việt Nam do đã có nguồn tài trợ từ công ty mẹ ở nước ngoài.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tiếp tục có những động thái tích cực nhằm tăng cung tiền cho nền kinh tế. Nguồn vốn giá rẻ tiếp tục được đưa ra thị trường. Cụ thể như,  Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thực hiện thí điểm sản phẩm tín dụng liên kết bốn nhà tại tám ngân hàng thương mại, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản, vật liệu xây dựng.

Nhiều ngân hàng trước đây chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp lớn thì nay đã tập trung chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các khách hàng cá nhân. Một thực tế hiện nay là chiến lược bán lẻ đang là mục tiêu mà các ngân hàng hướng tới.

Biển Đông tác động ra sao?

Hiện nay, việc tranh chấp ở biển Đông gây sức ép rất lớn đến các ngân hàng, nhất là trong giai đoạn này.

Cảnh báo trước tình hình biển Đông hiện nay chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến ngành ngân hàng và đặc biệt vấn đề này rất quan trọng với hệ thống ngân hàng. Lý do là bởi vì năm 2013 hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta đạt 264,26 tỷ USD nhưng riêng với Trung Quốc là 50,21 tỷ USD, tăng 22,0% so với năm 2012.

Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 13,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10,0% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, chúng ta nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2013 là 36,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Trước tình hình hiện này thì vấn đề này chắc chắn sẽ bị tác động trong thời gian tới. Nhưng việc ảnh hưởng như thế nào lại tùy thuộc vào chính sách kinh tế của Nhà nước, và việc giải quyết sự cố này. Còn bây giờ các ngân hàng tạm thời chưa bị tác động.

Tuy nhiên, các ngân hàng cần lường trước các rủi ro, không nên để rủi ro xảy ra rồi mới đề phòng. Ví dụ một ngân hàng mở một tài khoản để nhập hàng từ Trung Quốc về. Lúc này nếu có vấn đề gì thì lô hàng từ Trung Quốc sẽ không về được mà tiền thì đã mở và nằm đó. Bởi vậy chắc chắn có những rủi ro trong thanh toán. Thế nên cần phải cảnh báo ngân hàng lường trước các tình huống khác nhau, trường hợp xấu nhất thì phải đối phó ra sao, dự phòng rủi ro đó thế nào để tránh lệ thuộc vào Trung Quốc.

Rủi ro thanh khoản và sức ép cho vay

Các tổ chức tài chính - ngân hàng trong khu vực đang đối mặt với một sức ép chung khi tình trạng lợi nhuận kinh doanh sụt giảm do những khoản chi phí ngày càng lớn dần. Đối với rất nhiều ngân hàng, việc triển khai ứng dụng công nghệ mới như chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi, ứng dụng hiệu quả điện toán đám mây, điện toán di động và triển khai các mô hình thuê ngoài thông minh, hướng tới mục tiêu giảm thiểu chi phí vận hành hiện đang là mối quan tâm hàng đầu khi xây dựng các chiến lược phát triển kinh doanh.

Nhiều ngân hàng đã tích cực đầu tư nâng cấp, ứng dụng công nghệ phát triển các kênh dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại như Mobile banking, Internet banking, SMS banking và các dịch vụ thẻ. Cụ thể, thị trường Việt Nam đã có 52 tổ chức phát hành thẻ với 57,1 triệu thẻ, 14.300 ATM, 101.400 POS.

Ngân hàng và sức ép hiện nay - Ảnh 2
Ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ thẻ.

Theo báo cáo của KPMG năm 2013, doanh thu từ dịch vụ khách hàng đạt 6,47%, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu nhập thuần ngoài lãi của các ngân hàng. Nhu cầu sử dụng dịch vụ tại các TCTD của khách hàng đang tiếp tục phục hồi sau một năm đầy biến động và dự kiến sẽ tăng nhẹ trong năm 2014.

Năm 2014, NHNN đã đặt mục tiêu phấn đấu tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 - 18%, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 12 - 14%; điều chỉnh lãi suất và tỷ giá ở mức phù hợp; giữ vững quan điểm triển khai đồng bộ và quyết liệt Đề án 245 về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và kỷ cương trong hoạt động ngân hàng.

Để giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, sẵn sàng đối phó với các thách thức, NHNN cũng bắt đầu xây dựng, triển khai các bước tiến mạnh mẽ nhằm chuẩn hóa, đồng bộ hệ thống hạ tầng ngân hàng cho phù hợp với các tiêu chuẩn thế giới... việc làm này được các chuyên gia quốc tế ghi nhận là kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển chung, hạn chế nguy cơ đổ vỡ thị trường.

Với lãi suất huy động 6%/năm và lãi suất cho vay 7 - 9%/năm, trừ các khoản chi phí như trích lập dự phòng rủi ro, dự trữ bắt buộc, chi phí quản lý… khoảng 1 - 2%/năm thì phần lợi nhuận của ngân hàng là không đáng kể. Ngay cả với các ngân hàng thương mại nhà nước, huy động được vốn rẻ hơn thì lãi biên tín dụng cũng rất thấp, dưới 1%.

Khó khăn của nhóm ngành này lại mở ra cơ hội cho những nhóm ngành khác. Có một thực tế là sau nhiều năm chịu mức lãi suất cho vay rất cao, nay các doanh nghiệp mới được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với mức lãi suất hấp dẫn.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp bình thường chỉ ở mức 9 - 10%/năm với ngắn hạn, 11 - 12%/ năm với trung và dài hạn. Một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả sẽ được vay với lãi suất chỉ 6 - 7%/ năm, thậm chí 5%/năm. Điều này tuy là một sức ép đối với các ngân hàng nhưng lại mở ra triển vọng phục hồi cho các doanh nghiệp.

Bích Ngọc (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục