Ngân hàng trước áp lực tăng vốn điều lệ

(Kinhdoanhnet) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng tuyên bố, trong 3 năm tới, số lượng ngân hàng sẽ giảm còn một nửa, từ 35 xuống chỉ còn 14-17 ngân hàng.

Cuộc chiến sinh tồn, sáp nhập giữa các ngân hàng với ngân hàng, ngân hàng với các tổ chức tín dụng vốn căng thẳng nay lại thêm quyết liệt

Các nhà băng vào cuộc

Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s đánh giá thì hiện tại các ngân hàng Việt Nam tiếp tục đối diện với những thách thức về các mặt như: Chất lượng tài sản, lợi nhuận thấp, năng lực về vốn còn yếu… Nếu không cải thiện được những vấn đề này, mức tín nhiệm đối với các ngân hàng có thể giảm xuống.

Trong thời gian tới, để cải thiện năng lực của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nâng quy định về vốn điều lệ. Trước đây, NHNN cũng đã từng xây dựng dự thảo Nghị định về việc ban hành danh mục mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng. Theo đó, năm 2015, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ nâng lên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự định này đã bị dừng lại do khủng hoảng kinh tế diễn ra, nhưng chắc chắn, thời gian tới NHNN sẽ thay đổi quy định về vốn điều lệ. Khi đó, ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng nếu không sáp nhập, sẽ phải đóng cửa.

Trước sức ép tăng vốn điều lệ, các ngân hàng lớn nhỏ đều ráo riết lên kế hoạch xây dựng phương án tăng vốn điều lệ năm sau cao hơn năm trước. Điển hình như ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng sẽ nâng vốn điều lệ từ 28.112 tỷ đồng hiện nay lên 33.570 tỷ đồng. Để thực hiện được kế hoạch tăng vốn này, ngoài chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, BIDV sẽ bán 10,5% vốn cho các nhà đầu tư tài chính, tương đương 318,9 triệu cổ phần…

Vừa qua ngân hàng VPBank cũng đã tiến hành tăng vốn điều lệ từ 5.770 tỷ đồng lên 6.347 tỷ đồng theo phương án mà ĐHCĐ VPBank đã thông qua. Một số ngân hàng khác cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn như: Ngân hàng NamABank sẽ tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng trong năm 2014, SCB sẽ tăng thêm 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ so với mức 12.295 tỷ đồng hiện tại…

Không chỉ có các ngân hàng trong nước rục rịch tăng vốn mà mới đây một ngân hàng nước ngoài 100% vốn tại Việt Nam là HSBC từ 3.000 tỷ đồng lên 7.528 tỷ đồng.

Hiện trên thị trường vẫn còn 12 ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Trước sức ép sáp nhập, hợp nhất để tồn tại thì các ngân hàng này cũng đã bắt đầu đề ra các kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng trong kỳ đại hội đồng cổ đông vừa qua.

Việc tăng vốn tại các ngân hàng có vẻ như vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn một số kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng ở trong tình trạng bị trì hoãn hoặc hủy bỏ do thị trường chứng khoán khó khăn, chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên trước sức ép tăng vốn như hiện nay thì trong thời gian tới các nhà băng này sẽ buộc phải "nghĩ kế" để tăng nhanh vốn điều lệ.

Tiêu biểu phải kể tới đó là: Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) hoặc như OCB với các kế hoạch tăng thêm vốn điều lệ trong năm 2013… nhưng đến nay vẫn trễ hẹn và chưa hoàn thành được lộ trình tăng vốn điều lệ theo đúng thời hạn đặt ra.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã thẳng thắn nhận định, trong 3 năm tới số lượng các ngân hàng sẽ giảm xuống còn khoảng 14-17 ngân hàng thay vì 35 ngân hàng như hiện nay. Như vậy, dù có muốn hay không thì các nhà băng đều phải tự thân vận động, trước mắt là phải tự đảm bảo điều kiện về sức khỏe cho mình trong cuộc chiến “sinh tồn” khốc liệt này!

“Tôi cảnh báo đến các ngân hàng nhỏ rằng, rất khó hoạt động trong thời gian này, vì khả năng cạnh tranh gần như không còn. Hơn lúc nào hết, vì lợi ích cá nhân và cộng đồng, các ngân hàng nên ngồi lại với nhau để bàn việc hợp nhất, sáp nhập” -  Thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Ngân hàng trước áp lực tăng vốn điều lệ - Ảnh 1
PGBank chuẩn bị sáp nhập Vietinbank

Sáp nhập nhưng có thực sự tăng vốn

Sáp nhập NH chỉ mang đến hiệu quả thực sự khi có nguồn vốn mới đổ vào. Chỉ có tiền mới thực sự tháo gỡ được những khó khăn trong ngành NH Việt Nam hiện nay.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong tình trạng rất khó khăn do những yếu kém căn bản từ nhiều năm nay không được điều chỉnh kịp thời và hiệu quả. Thêm vào đó, sự suy thoái kinh tế dai dẳng đã đưa đến những khó khăn mới cho NH.

Tại thời điểm này, NH đã thoát khỏi tình trạng thiếu thanh khoản nhưng thảm cảnh nợ xấu chưa hết nguy hiểm. Ngoài ra, nguy cơ lớn hơn là tình trạng thiếu vốn, vì phần đông sự tăng vốn vừa qua, kể cả tăng vốn để tuân thủ vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng có khi được thực hiện bằng các "độc chiêu" để đối phó mà chưa chắc đã có tiền tươi.

Sẽ thật là nguy hiểm nếu như NH tuyên bố tăng vốn nhưng rốt cuộc, chẳng có thêm một xu nào ngoài giấy ghi nợ và con số rực rỡ trên bảng cân đối với con dấu đỏ chót của cơ quan kiểm toán.

Khi NH thiếu vốn, thì chỉ có duy nhất một phương án đó là rót thêm tiền thật vào, nhưng lấy tiền ở đâu? Ai là đối tượng muốn bơm vốn vào NH, đó là bài toán không đơn giản của hệ thống NH Việt Nam hiện nay.

Giới tài chính cũng băn khoăn việc sáp nhập có phải là cách kéo dài sự che dấu nợ xấu? NH mạnh sáp nhập NH yếu, có nghĩa là phải ôm mọi tài sản của ngân hàng yếu, kể cả nợ xấu, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng. Đây sẽ là rủi ro mà các NH chủ trì việc sáp nhập sẽ phải tốn nhiều chi phí, thời gian để xử lí.

Quản trị rủi ro

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay của hệ thống các ngân hàng chính là vấn đề chủ sở hữu và quản trị rủi ro. Các ngân hàng cần rút kinh nghiệm từ sai lầm của đợt sáp nhập trước, đó là tạo ra tình trạng sở hữu chéo và trình độ quản trị ngân hàng yếu kém. “Nếu chỉ tăng vốn điều lệ để đối phó với các quy định mà bỏ quên việc cải thiện năng lực quản trị và trình độ nguồn nhân lực thì cho dù ngân hàng có dồi dào về nguồn vốn cũng chưa chắc đã vững mạnh về tài chính”, một chuyên gia tài chính – ngân hàng nêu quan điểm.

Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Standard Chartered cũng cho thấy, 51-53% rủi ro tín dụng là do chủ quan của những cán bộ trong hệ thống. Mặc dù đã áp dụng nhiều chương trình quản trị, chính sách tín dụng tiên tiến; Tiến hành thực hiện chương trình xếp hạng tín dụng nội bộ; Quy trình thẩm định, phê duyệt và phân cấp phê duyệt đã khá chặt chẽ… Tuy nhiên, làm thế nào để triển khai tốt những nguyên tắc đó và tạo được một cách nhìn chung giữa các ngân hàng và các bộ phận về rủi ro tín dụng đang là vấn đề đặt ra cho hệ thống.

Quốc Hưng (tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục