Nguyên nhân dẫn đến việc gói 30 nghìn tỷ chậm giải ngân chủ yếu là do những vướng mắc trong các quy định về điều kiện cho vay.
Dựa theo báo cáo thông kê được Bộ trưởng – Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên công bố cho biết, tốc độ giải ngân của gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đến nay vẫn được cho là còn khá chậm chạp bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó nguyên nhân chính nhất là do vướng trong các quy định điều kiện cho vay.
Theo các ngân hàng thương mại, dù đã có rất nhiều khách hàng đáp ứng được điều kiện “người thu nhập thấp” để vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, tuy nhiên khi ký hợp đồng mua nhà, ngân hàng lại không giám giải ngân bởi “sợ”.
“Về mặt nguyên tắc, ngân hàng rất muốn cho vay những khách hàng có thu nhập tốt bởi như vậy mới đảm bảo khả năng trả nợ.", một cán bộ ngân hàng cho biết. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân cho biết, phần lớn người mua căn hộ tại dự án này đang bị vướng điều kiện thu nhập là công an và giáo viên. Ngân hàng từ chối cho vay với lý do thu nhập của họ không đảm bảo khả năng trả nợ. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Xây dựng thì đây mới là đối tượng đáp ứng được điều kiện “người thu nhập thấp”.
“Trong 100 hồ sơ thì có đến 50 hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện về thu nhập của ngân hàng, nên họ không thể vay được gói 30.000 tỷ đồng”, ông Tuấn cho biết.
Theo ý kiến từ các ngân hàng thương mại với mức thu nhập dưới 9 triệu đồng nếu như trừ đi chi phí ăn uống sinh hoạt thì khoản dư ra để trả gốc và lãi cao nhất cũng chỉ còn khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Với thời gian vay khoảng 15 năm, như vậy ngân hàng cũng chỉ có thể xét cho vay tối đa khoảng 400 triệu đồng. Trong khi thực tế số tiền mà khách hàng muốn vay lại gấp đôi so với số tiền có thể trả được. Do vậy các ngân hàng sẽ buộc phải từ chối giải ngân cho các khách hàng này là vì họ... không đủ khả năng trả nợ.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là người có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng đủ điều kiện để mua nhà thì lại không được các ngân hàng giải ngân vì sợ không đủ khả năng trả nợ. Thế nhưng với những người có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng, tất nhiên sẽ đủ khả năng trả nợ nhưng lại không thuộc đối tượng được phép tham gia vay vốn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, vướng mắc lớn nhất trong quá trình xét duyệt cho vay gói 30.000 tỷ đồng hiện nay là ở khái niệm “đối tượng thu nhập thấp”, phát sinh từ tháng 3/2015 khiến cho việc xét duyệt và giải ngân cho vay gói ưu đãi bị ách tắc lại.
“Về mặt nguyên tắc, ngân hàng rất muốn cho vay những khách hàng có thu nhập tốt bởi như vậy mới đảm bảo khả năng trả nợ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lại khống chế như vậy khiến ngân hàng rất khó xử”, một cán bộ gân hàng cho biết.
Giám đốc một ngân hàng nằm trong danh sách cho vay gói 30.000 tỷ đồng cho rằng, khi cho chủ đầu tư vay để thực hiện dự án, ngân hàng cũng muốn cho người mua nhà vay chứ không muốn làm khó. Tuy nhiên, trong thời gian qua có nhiều trường hợp ngân hàng không thể xét duyệt cho vay được do thu nhập quá thấp, không đảm bảo khả năng trả nợ.
“Nhiều người đi vay cứ có suy nghĩ, vốn vay gói 30.000 tỷ đồng là tiền của Nhà nước, nhưng thật chất đó là tiền gửi của dân. Nếu xét duyệt và thẩm tra không kỹ, để xảy ra nợ xấu, ngân hàng sẽ phải chịu hậu quả. Do đó, chỉ những trường hợp đủ điều kiện về thu nhập thì mới được ngân hàng xét”, vị đại diện này nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cũng cho rằng, nếu căn cứ đúng như định nghĩa của Bộ Xây dựng về đối tượng thu nhập thấp, những đối tượng này sẽ khó có khả năng trả nợ gốc và lãi vay trong vòng 10 - 15 năm theo quy định. Do đó, các ngân hàng không thể cho vay được.
“Chúng tôi đã có văn bản gửi cho 15 ngân hàng thương mại tham gia cho vay gói 30.000 tỷ đồng để lấy ý kiến, trên cơ sở đó sẽ có kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp phù hợp”, ông Minh cho biết.
"Nếu căn cứ đúng như định nghĩa của Bộ Xây dựng về đối tượng thu nhập thấp, những đối tượng này sẽ khó có khả năng trả nợ gốc và lãi vay trong vòng 10 - 15 năm theo quy định. Do đó, các ngân hàng không thể cho vay được."
Xung đột lợi ích nên không muốn triển khai gói 30.000 tỷ?
Thông tin trên báo Tiền phong, một vị lãnh đạo ngân hàng lý giải nguyên nhân khiến các ngân hàng không mặn mà thực hiện gói vay 30.000 tỷ là do ngân hàng chỉ được hưởng mức “phí” chênh lệch khi cho vay là khoảng 1,5%. Mức "phí" này khó có thể bù đắp được những rủi ro, chi phí khi thực hiện giải ngân. Các nhân viên tín dụng của các ngân hàng lại càng không mặn mà, bởi họ bị khoán định mức cho vay thương mại hằng tháng khá cao, nên họ “lờ” đi gói vay ưu đãi để hướng khách hàng đến gói vay thương mại.
Tính đến ngày 25/2/2015, tổng số tiền đã cam kết cho vay là 10.796 tỷ đồng (đạt gần 36%), tổng dư nợ là 6.187 tỷ đồng (đạt 20,6%). Sau gần hai năm triển khai, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng mới chỉ đi được 1/5 chặng đường. Trong khi đó, theo mục tiêu ban đầu, gói tín dụng này sẽ hoàn thành giải ngân vào 1/6/2016, sau đúng 3 năm triển khai (1/6/2013).
Cụ thể, đối với hộ gia đình, cá nhân, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay với số tiền 6.376 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được số tiền 4.427 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp, hiện đã cam kết cho vay số tiền là 4.420 tỷ đồng, giải ngân được 1.760 tỷ đồng.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo An ninh tiền tệ, Infonet)