Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng tỷ giá thêm % nào nữa

(Kinhdoanhnet) - Có rất nhiều nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước cố gắng giữ tỷ giá theo đúng lộ trình của năm, trong đó nguyên nhân chính nhất đó là chữ tín cam kết của lãnh đạo ngân hàng trung ương. Do vậy trong 6 tháng cuối năm nếu như không thực sự có “đột biến” thì Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ đúng cam kết của mình không điều chỉnh thêm % tỷ giá nào nữa.

Tính đến ngày 7/5/2015, áp lực giảm giá lên Việt Nam đồng đã giảm đi đáng kể, tuy nhiên đến cuối tháng 5, tỷ giá không chính thức trên thị trường lại tăng lên gần trần.

Để có thể ổn định lại thị trường tiền tệ, hỗ trợ cho đồng VND, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải bán ra 200 triệu USD nhằm kéo tỷ giá xuống 21.820 đồng/USD, dưới mức trần 21.890 đồng/USD.

Mặc dù vậy theo dự báo của Vinacapital, một số yếu tố trong nửa cuối năm 2015 sẽ gây áp lực giảm giá lên VND. Do đó đến cuối quý III/2015, nhiều khả năng tỷ giá trên thị trường tự do sẽ tăng từ 21.280 đồng/USD hiện tại lên sát trần cho phép là 21.890 đồng/USD. Và khi đó rất có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá 1% thêm một lần nữa, nâng tổng mức điều chỉnh cả năm lên 3%.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế tài chính – T.S Nguyễn Trí Hiếu cho rằng từ nay tới cuối năm tỷ giá sẽ còn biến động vì kinh tế trong nước phục hồi, nhập khẩu nhiều hơn do đó nhu cầu ngoại tệ vì thế sẽ tăng. Thêm vào đó nhu cầu cần ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam để trả nợ nước ngoài cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Do đó T.S Hiếu đưa ra dự báo trong năm nay, nhiều khả năng tỷ giá sẽ phải tăng đến 3% chứ không chỉ mức 2% như cam kết của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng tỷ giá thêm % nào nữa
Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng tỷ giá thêm % nào nữa.

Mặc dù vậy, mới đây trong cuộc họp báo sơ kết hoạt động ngân hàng sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2015, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã tiếp tục tái khẳng định cam kết của Ngân hàng Nhà nước chỉ điều chỉnh tỷ giá trong biên độ 2% trong năm 2015 đề ra từ đầu năm.

“Ngân hàng Nhà nước không đứng trên góc độ mục tiêu duy nhất nào mà phải đứng trên góc độ của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế. Chúng tôi sẽ theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô kể cả nội tệ và ngoại tệ. Không chỉ điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước còn phối hợp với các công cụ chính sách khác của chính sách tiền tệ để điều tiết lượng vốn khả dụng, điều tiết lãi suất” – bà Hồng cho biết.

Theo các chuyên gia cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước cố gắng “kìm cương” tỷ giá theo đúng lộ trình của năm, trong đó nguyên nhân đáng kể là chữ tín cam kết của lãnh đạo ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên đằng sau lời cam kết này, tất nhiên cơ quan này cũng đã tính toán  tới việc dù cán cân thương mại có thâm hụt thì các hạng mục khác trong cán cân thanh toán tổng thể vẫn có thể bù đắp nên nhìn chung Việt Nam vẫn có thặng dư. Thêm vào đó cơ quan này còn sẵn sàng dùng dự trữ ngoại hối, chính sách lãi suất, thị trường mở… để can thiệp ổn định tỷ giá theo định hướng.

Do đó trong 6 tháng cuối năm nếu như không thực sự có “đột biến” thì Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ đúng cam kết của mình không điều chỉnh thêm % tỷ giá nào nữa.

Anh Công (TH theo NDH; Thanh Niên; Infonet)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục