Các ngân hàng này bao gồm HSBC, ANZ, Standard Chartered, Shinhan Vietnam, Hong Leong Bank, Public Bank Berhad và Citibank. Gần đây nhất là vào tháng 03/2015, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận về nguyên tắc cho phép Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia được thành lập nhà băng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra còn rất nhiều các ngân hàng nước ngoài khác đã tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam như Maybank (Malaysia) với 2 chi nhánh ở Hà Nội và TPHCM. Cũng trong những tháng đầu năm 2015, Ngân hàng Kasikorn - một trong những ngân hàng hàng đầu của Thái Lan cũng đã chính thức thành lập 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TPHCM. Ngân hàng này cũng không giấu giếm ý định mở rộng số lượng văn phòng và chi nhánh tại Việt Nam khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép.
Hiện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đang xem xét, cấp phép hoạt động cho một ngân hàng nước ngoài khác là UOB (Singapore) 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Việt Nam đang xem xét, cấp phép hoạt động cho ngân hàng UOB (Singapore).
Nếu như những năm trước, ngân hàng nước ngoài tăng xuất hiện tại Việt Nam chủ yếu thuộc những quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều vào Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… thì tới gần đây, ngân hàng các nước ASEAN đã xuất hiện ngày càng nhiều. Dường như các tổ chức tín dụng trong khu vực đã sẵn sàng đón đợi cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến hình thành cuối năm nay.
Thực ra việc các ngân hàng nước ngoài đang tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam là việc bình thường trong hoạt động kinh doanh, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì việc mở cửa là điều tất yếu, phải làm. Tuy nhiên sự thâm nhập này lại là một thách thức không hề nhỏ với các ngân hàng nội trên chính sân nhà. Bởi thường các ngân hàng lớn của nước ngoài có mạng lưới hoạt động rộng rãi, do đó khi đổ bộ vào Việt Nam các ông lớn này không chỉ thu hút được khách hàng ruột của nước mình, mà còn nắm giữ được khách hàng tại nhiều quốc gia khác có ý định đầu tư vào Việt Nam. Rõ ràng điều này gây nhiều bất lợi cho các ngân hàng nội.
Với việc tham gia mạnh mẽ của các ngân hàng ngoại, sự cạnh tranh trên thị trường tín dụng tiêu dùng cũng sẽ ngày càng gay gắt hơn. Chính vì vậy để miếng bánh thị phần không bị “rơi tõm” vào tay các ngân hàng ngoại, khối ngân hàng nội cần phải thực sự lớn mạnh hơn nữa, tăng sức cạnh tranh với các “ông lớn” nước ngoài.
Minh Anh (TH theo ĐTTC; LĐ; ĐSPL; Cafebiz)