Ngân hàng MB tăng tốc rao bán bất động sản thế chấp

Thời gian gần đây, ngân hàng MB ồ ạt thanh lý hàng chục bất động sản giá trị từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng để thu hồi nợ.

Ngân hàng MB thanh lý hàng chục bất động sản giá trị từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng

Thời gian gần đây, ngân hàng MB liên tục rao bán bất động sản thế chấp để thu hồi nợ xấu. Mới đây nhất, Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng MB (MBAMC), công ty trực thuộc ngân hàng MB (mã: MBB) thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của CTCP VKC Holdings (tiền thân là CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh - mã:VKC).

Tài sản đấu giá là lô đất rộng 6.475 m2 tại xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Lô đất có mục đích sử dụng là xây dựng công trình công nghiệp. Đây là lô đất thuộc sở hữu của CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khánh (nay là CTCP VKC Holdings). Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra cho lô đất này là 84,95 tỷ đồng.

Ngân hàng MB tăng tốc rao bán bất động sản thế chấp - Ảnh 1

Trước đó, MBAMC cũng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá 8 bất động sản tại TP Cà Mau, tình Cà Mau với giá khởi điểm 33,4 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo được MB chia làm 3 cụm tài sản. Cụm tài sản thứ nhất được bán với giá khởi điểm 26,5 tỷ đồng. Trong đó gồm 6 quyền sử dụng đất là các lô đất ở đô thị lâu dài có tổng diện tích hơn 322 m2.

Cụm tài sản thứ hai là quyền sử dụng lô đất ở tại đô thị rộng 31,7 m2, giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 3 tỷ đồng. Cụm tài sản thứ ba được bán với giá khởi điểm 3,7 tỷ đồng, gồm quyền sử dụng lô đất ở đô thị rộng 41 m2 và tài sản gắn liền với đất là căn nhà cấp III có diện tích sàn 82 m2.

Hồi đầu tháng 8/2022, MBAMC cũng có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá 5 bất động sản tại tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích gần 2.000 m2. Cả 5 tài sản đấu giá đều là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch.

Trong 5 bất động sản, tài sản có diện tích lớn nhất là lô đất rộng 757 m2, trong đó 490 m2 là đất ở tại nông thôn, phần đất còn lại là đất trồng cây lâu năm, lô đất trồng cây có thời hạn sử dụng đến ngày 15/10/2043. Giá khởi điểm MBAMC đưa ra cho lô đất này là 5,5 tỷ đồng.

Tài sản thứ hai là lô đất rộng 607 m2, trong đó 104 m2 là đất ở nông thôn, đất trồng cây lâu năm 503 m2, ngoài ra thửa đất còn có 25 m2 thuộc hành lang an toàn đường điện 110KV. Giá khởi điểm cho lô đất này là 4,3 tỷ đồng.

Ba tài sản còn lại đều là đất ở nông thôn lâu dài có diện tích lần lượt 212 m2, 194 m2 và 192 m2, tương ứng với giá khởi điểm 1,8 tỷ đồng, 2 tỷ đồng và 1,9 tỷ đồng.

MBAMC cho biết các tài sản đấu giá trên là tài sản thế chấp của nhiều doanh nghiệp và các khách hàng cá nhân tại MB chi nhánh Khánh Hòa

Hồi tháng 7/2022, MBAMC cũng có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thế chấp của CTCP đầu tư Minh Bảo Tín (Công ty Minh Bảo Tín). Tài sản thế chấp là hai quyền sử dụng đất và toàn bộ công trình trên 2 thửa đất rộng hơn 3.200 m2 cùng có địa chỉ tại tỉnh Bình Thuận. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 54,7 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 7/2022, MBAMC thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản khách hàng cá nhân với tài sản thế chấp là 11 bất động sản tại tỉnh Đắk Nông và TP Cần Thơ.

Hơn 470.000 tỷ đồng bất động sản thế chấp, nợ xấu tăng đến 52%

Trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, hoạt động cho vay mang lại nguồn lợi nhuận lớn nhất, nhưng đồng thời cũng luôn tiềm ẩn rủi ro vì khách hàng vay vốn có thể vì nhiều lý do mà không trả được nợ. Bởi vậy, tài sản đảm bảo cho các khoản vay hết sức quan trọng với các nhà băng, là phương án cứu vớt cho các khoản nợ xấu.

Tài sản bảo đảm tại các ngân hàng hiện nay rất đa dạng từ bất động sản, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho, khoản phải thu,….Tuy nhiên, tài sản chủ yếu và phổ biến nhất vẫn là bất động sản.

Bất động sản được các nhà băng ưu tiên nhận cầm cố, thế chấp hơn cả bởi đây là những tài sản có giấy tờ, chứng minh quyền sở hữu rõ ràng. Hơn nữa, giá trị bất động sản ít khi bị hao hụt như máy móc, xe cộ,.. mà thậm chí còn tăng giá trong tương lai. Khi phát sinh nợ xấu, khả năng thu hồi nợ của ngân hàng cũng sẽ cao hơn.

Nguồn: BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022 tại MB
Nguồn: BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022 tại MB

Tại ngân hàng MB, tính đến 30/6/2022, tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% so với đầu năm, ghi nhận 415.456 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị tài sản bảo đảm lên tới hơn 1,31 triệu tỷ đồng, tức gấp hơn 3 lần dư nợ cho vay khách hàng, tương đương tỷ lệ tài sản bảo đảm trên dư nợ cho vay khách hàng ở mức rất cao 316%.

Đáng chú ý, lượng bất động sản thế chấp tại MB ghi nhận hơn 470.509 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong khi đó, lượng động sản thế chấp chỉ ở mức 96.050 tỷ đồng; giấy tờ có giá gần 48.976 tỷ đồng; tài sản đảm bảo khác gần 306.000 tỷ đồng.

Với khối tài sản thế chấp khổng lồ, chủ yếu là bất động sản khiến nhà băng này suốt thời gian qua liên tục rao bán để thu hồi nợ xấu. Tính đến 30/6/2022, tổng nợ xấu tại MB tăng 52% so với đầu năm, chiếm 4.975 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,9% đầu năm lên 1,2%.

Chi tiết các nhóm nợ tại ngân hàng MB. (Nguồn: BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022 tại MB)
Chi tiết các nhóm nợ tại ngân hàng MB. (Nguồn: BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022 tại MB)

Theo tìm hiểu, bất động sản thế chấp ở ngân hàng bao gồm đất đai, nhà ở, nhà xưởng, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, các tài sản gắn liền với công trình xây dựng. Đó có thể là các tài sản hiện có, cũng có thể là các tài sản hình thành trong tương lai (tức là các tài sản hình thành trong và sau thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp) như lợi tức thu được từ sử dụng BĐS, tài sản hình thành từ vốn vay, công trình xây dựng trong tương lai…

Mặc dù chuộng tài sản bảo đảm là bất động sản nhưng việc xử lý những tài sản này để thu hồi nợ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đặc biệt những lô đất, dự án bất động sản lớn vướng vào tranh chấp pháp lý, liên quan đến vụ án hình sự, việc thanh lý sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, những khối bất động sản hàng nghìn tỷ đồng, ngân hàng thường phải rao bán rất nhiều lần, kéo dài vài năm và giảm giá liên tục mới có thể bán được thành công.

Đơn cử hồi tháng 3/2022, Công ty TNHH Quan Minh - chủ đầu tư Dự án khu đô thị Ocean Park Vân Đồn (Quảng Ninh) đã có đơn khởi kiện ngân hàng MB.

Tranh chấp 2 bên diễn ra liên quan các hợp đồng tín dụng mà Công ty Quan Minh đã ký với ngân hàng để tài trợ vốn triển khai dự án Ocean Park tại xã Hạ Long, huyện Vận Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Dự án Ocean Park được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, giao cho Công ty Quan Minh từ năm 2011. Dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Ngân hàng MB tăng tốc rao bán bất động sản thế chấp - Ảnh 2

Theo đó, ngày 18/2, MBAMC ra thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của Công ty Quan Minh. Trong đó, tài sản đảm bảo là toàn bộ vốn góp của chủ sở hữu Công ty TNHH Quan Minh thế chấp tại MB. Bao gồm toàn bộ vốn góp của ông Hoàng Văn Cường, Chủ tịch Công ty Quan Minh, cùng vợ là bà Nguyễn Thùy Dung (chiếm 90% vốn điều lệ Công ty Quan Minh), giá trị tài sản tại thời điểm thế chấp là 225 tỷ đồng. Cùng với đó, 100% vốn góp của ông Hoàng Bá Dũng tại Quan Minh (tương đương 10% vốn công ty) tương đương giá trị 25 tỷ đồng cũng được dùng làm tài sản thế chấp ngân hàng.

Đến ngày 28/2, Công ty đấu giá hợp danh Bảo Minh đã ra thông báo bán đấu giá các tài sản thế chấp này. Trong đó, giá khởi điểm đúng bằng giá tài sản tại thời điểm thế chấp cho MB lần lượt là 225 tỷ đồng với 90% vốn góp của ông Hoàng Văn Cường và vợ là bà Nguyễn Thùy Dung tại Công ty Quan Minh và 25 tỷ đồng với 10% vốn góp của ông Hoàng Bá Dũng tại công ty bất động sản này.

Sau khi ngân hàng MB thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo để thu hồi khoản nợ xấu của Công ty Quan Minh, doanh nghiệp này đã có đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bao gồm dừng chuyển nhượng tất cả tài sản thế chấp của các bên gồm Công ty Quan Minh và Công ty TNHH Thương Mại Tân Lập, ông Hoàng Văn Cường và ông Hoàng Bá Dũng tại MB.

Đồng thời, doanh nghiệp yêu cầu tạm dừng việc đấu giá tài sản là phần vốn góp của ông Hoàng Văn Cường, bà Nguyễn Thùy Dung và ông Hoàng Bá Dũng tại Công ty Quan Minh.

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục