Cụ thể, "ông lớn" là BIDV vừa áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 9/7/2019. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại BIDV đã tăng 0,1% so với tháng 6 lên mức 7%/năm. Các kỳ hạn còn lại vẫn giữ nguyên.
Biểu lãi suất tại BIDV.
Trước đó 2 ngày, Techcombank cũng có động thái tăng lãi suất. Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng này tăng 0,2 điểm phần trăm so với hồi tháng 6.
Lãi suất cao nhất tại Techcombank hiện nay là 7,3%, áp dụng cho khách hàng ưu tiên khi gửi online kỳ hạn từ 18 tháng đến 24 tháng. Trước đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này trong tháng 6 là 7,1%/năm.
Tại kỳ hạn 24 tháng có lãi suất cao nhất là 7,1%/năm, tăng 0,1% so với trước đó. Kỳ hạn 18 tháng tăng mạnh nhất, khách hàng gửi dưới 1 tỷ được hưởng lãi suất từ 7 - 7,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy là 6,7% áp dụng cho khoản tiền gửi trên 3 tỷ, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Kỳ hạn 3 năm cũng giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm, hiện niêm yết ở mức 6,5-6,6%/năm cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ, khoản tiền trên 3 tỷ được hưởng lãi suất từ 6,7-6,9%/năm.
Biểu lãi suất tại Techcombank.
Biểu lãi suất mới của Eximbank có hiệu lực từ 5/7/2019. Ở sản phẩm "Gửi vốn mới, tới nhận quà", khách hàng gửi kỳ hạn 15 tháng, tiền gửi từ 200 triệu có thể nhận lãi suất 8,3%/năm thay vì 8,1%/năm như trước đó.
Đối với khách hàng gửi tiết kiệm online kỳ hạn 24 và 36 tháng có lãi suất cao nhất tại Eximbank hiện nay là 8,4%/năm.
Biểu lãi suất tại Eximbank.
NamABank cũng đã công bố biểu lãi suất mới kể từ đầu tháng 7/2019. Theo đó, lãi suất gửi tại quầy ở kỳ hạn 25 tháng – 36 tháng đồng loạt tăng mạnh 0,5 điểm phần trăm lên mức 7,9%/năm. Kỳ hạn 14 tháng – 23 tháng cũng tăng từ 0,2-0,4%/năm, lên đến 7,7-7,8%/năm.
Ngoài các ngân hàng trên tăng lãi suất, số còn lại hầu như đều giữ nguyên lãi suất huy động trong 2 tháng trở lại đây hoặc chỉ giảm nhẹ 0,1 đến 0,2%.
Tín hiệu tăng lãi suất ở nhiều ngân hàng thời điểm giữa năm đã cho thấy cuộc chạy đua lãi suất đang tiếp tục quay trở lại sau vài tháng dịu đi. Việc tăng lãi suất huy động là do các ngân hàng phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác đang phát triển nhanh (trái phiếu, chứng chỉ quỹ…), cùng với đó là nhu cầu muốn gia tăng huy động, đáp ứng yêu cầu giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%.
Đáng chú ý, theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 vào khoảng 14%. NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng. Nhưng thực tế, đến hết quý 2/2019 nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng được giao cho cả năm nay. Chính vì vậy, ngân hàng vẫn đang loay hoay với room tín dụng.
Vì vậy, không ít ngân hàng đã xin nới room, đặc biệt là các ngân hàng đã hoàn tất basel II như OCB, Vietcombank, VIB, TPBank, VPBank, MB... nhưng không phải đề nghị nới room tín dụng của ngân hàng nào cũng được chấp thuận.
Ngoài ra, ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn nên lãi suất đầu vào mới nhích lên ở một số kỳ hạn và mang tính chất cục bộ chứ không hẳn là vấn đề thanh khoản của ngân hàng. Đồng thời, nhiều ngân hàng thương mại hiện đang đẩy mạnh cho vay đối tượng khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay tốt, đảm bảo mức sinh lời cần thiết. Do đó, các ngân hàng khác cũng phải duy trì lãi suất tốt để không bị mất thị phần huy động.
Tuy nhiên, nếu lãi suất tiếp tục tăng cao khách hàng gửi tiền sẽ hưởng lợi. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bất động sản, BOT, BT… sẽ gặp khó.
5 tháng đầu năm, tiền gửi vào ngân hàng tăng đột biến
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 5/2019, tổng tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng là khoảng 8,1 triệu tỷ đồng, trong đó 3,42 triệu tỷ đồng là tiền gửi của dân cư, còn lại 4,67 triệu tỷ đồng là tiền gửi của các tổ chức kinh tế.
Như vậy, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đang áp đảo hơn so với tiền gửi của dân cư, 58% tổng tiền gửi khách hàng so với 42%.
Tuy nhiên, tiền gửi dân cư đã phục hồi rất mạnh trong tháng 5/2019 với mức tăng trong tháng gần 140.000 tỷ đồng, lên mức 3,42 triệu tỷ đồng.
Các tháng tới, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể, tháng 7/2019, nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo áp dụng biểu lãi suất mới với mức tăng phổ biến 0,2-0,3 điểm%/năm, một số trường hợp tăng tới 0,5 điểm%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Đáng chú ý, tiền gửi của các tổ chức kinh tế mặc dù quy mô lớn hơn tiền gửi dân cư nhưng vẫn đều đặn tăng qua các tháng đầu năm 2019, cho thấy nguồn vốn này rất quan trọng đối với hệ thống ngân hàng.
Hà Phương