Tín dụng của OCB đến cuối quý III/2014 vẫn âm và cho tới thời điểm cuối năm tăng trưởng khá chậm. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) của OCB trong 3 quý đầu năm đạt 134 tỷ đồng, giảm gần 30% và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 106 tỷ đồng, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kế hoạch LNTT năm nay của OCB là 350 tỷ đồng.
Nợ xấu của ACB đến cuối tháng 9/2014 là 3,07%, không giảm so với đầu năm. Vì thế, 9 tháng đầu năm ACB chỉ đạt LNTT 1.071 tỷ đồng và LNST là 837 tỷ đồng, giảm lần lượt 27,6% và 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, DongA Bank báo lỗ 76 tỷ đồng trong quý III/2014, lũy kế 9 tháng đầu năm, LNTT chỉ đạt 220 tỷ đồng, LNST đạt 149 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm 2013. Vì thế, kế hoạch 550 tỷ đồng LNTT năm 2014, theo lãnh đạo DongA Bank, là bài toán khó khi phải trích dự phòng cao.
Trước khả năng khó đạt các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2014, hầu hết các NHTMCP đều dè dặt khi được hỏi về chỉ tiêu lợi nhuận năm tới. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho rằng, việc xử lý nợ xấu để thu hồi tài sản trong lúc này được xem là nhiệm vụ bất khả thi, đặc biệt là phát mãi tài sản để thu hồi nợ, bởi cơ quan thi hành án xử lý nợ quá chậm.
"Rất khó để có thể kỳ vọng được chỉ tiêu lợi nhuận năm nay, cho dù kế hoạch đưa ra đã được tính toán khá kỹ và ở mức thấp hơn so với kế hoạch của năm trước đó. Do vậy, ACB chưa tiết lộ chỉ tiêu dự kiến đưa ra cho năm 2015 là bao nhiêu, nhưng ban lãnh đạo ACB sẽ thận trọng", ông Toàn chia sẻ.
Thực tế, sức mua của thị trường và tồn kho chưa mấy cải thiện, để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện nay vẫn được xem là một thách thức lớn với các NH. Mặt khác, chính sách lãi suất cho vay được các chuyên gia nhận định sẽ tiếp tục xu hướng đi xuống, nhưng TTTD hiện nay không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất mà còn phụ thuộc vào chính sách tăng trưởng dư nợ của các NHTM.
Bên cạnh đó, môi trường sản xuất, kinh doanh cũng là một trong những yếu tố quyết định việc TTTD. Nếu nền kinh tế trên đà hồi phục, DN sẽ sẵn sàng vay vốn đầu tư, sản xuất và kinh doanh, thay vì ngưng trệ hiện nay, vay vốn không biết để làm gì. Mặt khác, nợ xấu tăng cao chắc chắn NH phải thận trọng. Nếu DN đã vướng vào nợ xấu sẽ khó rót thêm vốn cho vay. Còn với DN mới, chưa vướng vào nợ xấu, lúc này họ phải xem xét đến yếu tố thị trường có tiêu thụ được hàng hóa hay không mới quyết định vay vốn NH. Chính vì vậy, tín dụng khó tăng mạnh.
Do đó, ACB không phải là trường hợp cá biệt. Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank cho rằng, khó khăn đối với hoạt động NH sẽ chưa hết trong năm 2015, nhất là khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/2/2015. Việc xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2015 chắc chắn sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng.
Đồng quan điểm, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cũng cho biết, không chỉ những NH gặp khó khăn về nợ xấu, mà những NH có thị phần về tín dụng, dư nợ tăng trưởng dương trong 3 quý đầu năm 2014 cũng chỉ đạt được các chỉ tiêu kinh doanh ở mức khiêm tốn. Như Sacombank, tính đến ngày 30/11, LNTT đạt 2.766 tỷ đồng. Kỳ vọng hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận NH đưa ra cho năm nay là không quá khó, nhưng với kế hoạch 2015 NH sẽ rất thận trọng.
Ở góc nhìn riêng, ông Khang cho rằng, hoạt động kinh doanh của NH có tốt hay không trong năm tới phụ thuộc lớn vào thị trường BĐS. Chỉ khi nào thị trường này ấm dần đối với phân khúc nhà ở, mới tạo cơ hội cho NH trong việc đẩy mạnh tín dụng mua nhà, vốn là thế mạnh của Sacombank.
Có thể thấy rằng, mỗi NH đều đang "lên dây cót" để tìm cách thay đổi chiến lược kinh doanh, cũng như cân đối lại mục tiêu hoạt động trong năm 2015. Nói như một lãnh đạo NH, trong bối cảnh nợ xấu cao, khả năng hấp thụ vốn của DN yếu, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra ở mức thấp, NH phải tìm hướng đầu tư khác an toàn và giải quyết ách tắc vốn, chẳng hạn như đầu tư trái phiếu Chính phủ...
Hay VietinBank cho biết, những năm gần đây, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ tăng trưởng nhanh chóng với tính hiệu quả cao và ít rủi ro. Xu thế này đã tác động tới NH với sự chuyển hướng đưa ra nhiều sản phẩm phục vụ cho phân khúc này.
Một lãnh đạo của Eximbank thì chia sẻ, thanh khoản dôi dư luôn được xem là cơ hội tốt cho NH trong quá trình phát triển tín dụng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, đồng vốn không dễ sinh lời như trước. Huy động vào nhưng không thể đẩy mạnh cho vay, gánh nặng trả lãi suất cho người gửi tiền sẽ là vấn đề mà NH cũng phải tính toán. Do đó, NH này cũng đang tính hướng kinh doanh mới trong năm 2015 để giải quyết bài toán vốn sao cho chặt chẽ và hợp lý nhất.
Chẳng hạn, ngoài kênh đầu tư trái phiếu, NH cũng hiểu rõ yếu tố chu kỳ của thị trường bất động sản. Eximbank hy vọng những kế hoạch tới đây của NH sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhiều khách hàng hơn, thông qua các giải pháp tài chính linh hoạt, đón đầu mùa bất động sản sắp tới...
Theo Thời Báo Ngân Hàng