Ngân hàng đấu giá nhiều tài sản đảm bảo hy hữu

Hoạt động bán đấu giá tài sản đảm bảo, đấu giá khoản nợ để thu hồi vốn liên tục được các ngân hàng đẩy mạnh trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Hồi tháng 4/2022, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Lào Cai II thông báo bán tài sản thế chấp là lô hàng hóa tồn kho gồm quần áo, đồ gia dụng, văn phòng phẩm, mỹ phẩm... đều trong tình trạng đã cũ và lỗi mốt. Giá khởi điểm là 60 triệu đồng.

Tháng 2/2022, Agribank chi nhánh Bình Thạnh rao bán lô tài sản xe, máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu thanh lý, đã qua sử dụng với giá khởi điểm 166.05 triệu đồng. Tình trạng lô máy móc được cập nhật là đều đã hư hỏng hoàn toàn và nhiều bộ phận bị tháo rời.

Hay tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa qua cũng rao bán các khoản nợ xấu cho vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân. Chẳng hạn mới đây đã đăng thông báo bán đấu giá 321 khoản nợ vay tiêu dùng của 321 cá nhân có tổng giá trị sổ sách (gốc, lãi, lãi phạt) hơn 6,6 tỷ đồng. Giá khởi điểm VietinBank rao bán là hơn 6 tỷ đồng, chưa bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản và các chi phí khác nếu có khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu.

Từ trước tới nay, nhiều người có tâm lý chỉ những khoản nợ lớn và có tài sản đảm bảo thì ngân hàng mới thanh lý. Tuy nhiên, hiện nay, tài sản thế chấp cho khoản nợ rất đa dạng từ đất đai, nhà cửa, máy móc, thiết bị, thậm chí cả hoa mầu, gà, vịt,...

Ngoài những thông báo bán đấu giá hy hữu này, nhiều ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với việc rao bán tài sản đảm bảo nhiều lần kèm đại hạ giá những vẫn không ai mua.

Chẳng hạn khoản nợ của Công ty cổ phần Vertical Synergy Vietnam tại BIDV. Dù được rao bán nhiều lần, giá khởi điểm trong lần bán gần nhất giảm 120 tỷ đồng so với hồi đầu tiên xuống còn 348,3 tỷ đồng, tương đương với nợ gốc, nhưng vẫn ‘ế’.

Tương tự, loạt bất động sản là tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thiên Tân cho khoản vay tại Vietcombank cũng trong tình trạng bán không ai mua dù đã rao bán đến lần thứ 7.

Theo thống kê của Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), chất lượng tín dụng trong quý III/2022 kém khả quan, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,47%, tăng 20 điểm cơ bản so với đầu năm và 8 điểm cơ bản theo quý. Các chuyên gia SSI cảnh báo các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn.

Trang Bùi

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục