Tại ĐHCĐ năm 2013, rất nhiều NH thông qua tờ trình tăng Vốn điều lệ (VĐL) nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Các ngân hàng thường lựa chọn phương án tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu thưởng, chia cổ tức, chào bán cho cổ đông hoặc NĐT chiến lược. Hay lựa chọn sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Thế nhưng, việc tăng vốn ở một số ngân hàng thời gian qua lại cho thấy thực tế không như tính toán.
BacABank cũng khá trầy chật mới phát hành được cổ phiếu để tăng được vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng vào tháng 4 vừa qua. Nhưng vẫn trễ hẹn so với dự kiến ban đầu.
Với trường hợp của DongA Bank, ngay sau ĐHCĐ năm 2012, HĐQT DongA Bank đã lập hồ sơ xin tăng VĐL thêm 1.000 tỷ đồng từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng theo đúng quy định và sau đó đã được NHNN và UBCKNN chấp thuận. DongA Bank đã tiến hành thông báo đến các cổ đông tiến hành đăng ký và nộp tiền mua cổ phần.
Hình thức là phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu (CP), tương ứng trị giá 1.000 tỷ đồng để tăng vốn. Các cơ quan có thẩm quyền cũng đã chấp thuận hồ sơ, phương án tăng vốn này với hạn chót là tháng 12/2013. Song đến cuối năm 2013 (ngày văn bản cho tăng vốn của NHNN hết hiệu lực), DongA Bank chỉ huy động được gần 90 tỷ đồng trong tổng số 700 tỷ đồng tiền cổ đông đăng ký và cam kết mua cổ phiếu.
Vì thế, vào cuối tháng 4, DongA Bank đã chính thức có thông báo đến cổ đông về việc hủy bỏ kết quả đợt phát hành CP ra công chúng nói trên, với lý do đợt phát hành tăng vốn điều lệ của NH đã không thành công theo kế hoạch dự kiến trong thời gian được phép tăng vốn theo quy định của NHNN. Bên cạnh đó, kế hoạch thu hút vốn ngoại của DongA Bank được lên kế hoạch từ nhiều năm qua song đến nay vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp.
Một số NHTM CP như Sacombank, NamABank cũng đưa ra kế hoạch dự kiến tăng VĐL 1.000 tỷ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên ngay cả các ngân hàng cũng không thể chắc chắn được mình có thực hiện theo đúng lộ trình hay không.
Cổ phiếu Ngân hàng không còn có nhiều sức hút với các nhà đầu tư
Một số cách tăng vốn điều lệ thường được các ngân hàng lựa chọn có thể sẽ không như mong muốn của các NH, bởi CP NH đã không còn độ hấp dẫn như trước.
Lý giải về việc này, một lãnh đạo của NHTM cổ phần cho biết, do một số NH đang trong quá trình tái cơ cấu nên phải dùng mọi nguồn lực để phục vụ cho đề án này. Vì thế, việc chi trả cổ tức cho cổ đông cũng phải được tính toán.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay giá CP NH không còn hấp dẫn, để huy động từ cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược rất khó... Trong khi đó, với CP của các NH chưa niêm yết thì việc phát hành để tăng vốn là càng khó khăn hơn. Giá CP nhiều NH thường rất thấp, đa phần dưới mệnh giá và nhiều CP không có thanh khoản.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của DongA Bank thời gian qua bị sụt giảm mạnh, nợ xấu tăng cao, cổ tức thấp… thì cổ phiếu ngân hàng có lẽ cũng kém hấp dẫn. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế giảm chỉ còn 430 tỷ đồng do phải trích lập tới 50% cho dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ xấu gần 4%, cổ tức chia ở mức 5%. Trường hợp của DongA Bank, giá phát hành bằng mệnh giá trong khi giá giao dịch trên OTC của CP NH này gần đây chỉ khoảng 8.500đ/CP và đã không còn ở mức 10.000đ/CP từ năm 2013.
Thanh khoản của CP này trên OTC từ lâu đã ở mức thấp. Theo HSC, việc lợi nhuận của DongA Bank liên tục ở mức thấp cộng với tỷ lệ nợ xấu tăng đã khiến giá CP giảm xuống dưới mệnh giá.
Về phía NH, không có lựa chọn nào khác vì không có mấy DN phát hành CP với giá phát hành thấp hơn mệnh giá. Và việc phát hành không thành công có thể thấy từ trước và không có gì bất ngờ, do DongA Bank không thể đưa ra một phương án thay thế.
Phát biểu tại một diễn đàn về cơ hội đầu tư mới đây, giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài khi được hỏi về cơ hội đầu tư CP NH đã thẳng thắn nhận định, CP NH đã không còn chiếm vị thế là CP vua như trước đây vì giá đã giảm nhiều trong mấy năm trở lại đây.
Thị trường chứng khoán ảm đạm, giá sụt giảm mạnh, thanh khoản yếu… nên các NĐT rất thận trọng, lựa chọn cổ phiếu tốt để đầu tư. Cổ đông nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng tốt nhưng "bỗng dưng" bị buộc sáp nhập, hợp nhất với ngân hàng yếu kém, sẽ bị thiệt về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, giá trị cổ phiếu và thị giá...Chưa kể, cổ phiếu ngân hàng mới tạm thời bị hủy niêm yết, chưa rõ thời điểm có thể được niêm yết trở lại thì thanh khoản càng khó khăn hơn". Nhất là trên thực tế, có ngân hàng sáp nhập chỉ để "chữa cháy" cho tình thế mất thanh khoản, nợ xấu quá lớn thì mua cổ phiếu sẽ chẳng khác nào ôm rủi ro.Hơn thế, những khó khăn của ngân hàng ở thời điểm hiện nay như nợ xấu, xử lý tài sản khó khăn, tăng trưởng tín dụng lẹt đẹt… sẽ ảnh hướng lớn đến lợi nhuận, tỷ suất sinh lời/vốn điều lệ, cổ tức. Những điều này càng khiến NĐT lo sợ về tương lai của đồng vốn bỏ ra, dù quyết định mua cổ phiếu ở thời điểm hiện tại có thể là đúng đắn.
Việc lấy lại niềm tin của NĐT, ngoài yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu của các NHTM. Và điều này lại phụ thuộc các vấn đề như tái cơ cấu đầu tư công, DN nhà nước, vị giám đốc quỹ đầu tư cho biết.
Quốc Hưng (tổng hợp)