Lương sếp cao “ngất ngưởng”
Vừa qua, hãng Adecco Việt Nam công bố tài liệu Salary Guide 2014 (tạm dịch: Cẩm nang lương bổng 2014),cung cấp hàng loạt các chức danh, mô tả công việc, bằng cấp yêu cầu, số năm kinh nghiệm, và đặc biệt là dải lương cho từng nghề nghiệp xác định.
Theo khảo sát của Adecco tiến hành trên 8 nhóm ngành chính: tài chính ngân hàng, pháp luật, văn phòng, bán hàng tiếp thị, tổ chức sự kiện, công nghệ thông tin, kỹ thuật, và y tế. Trong 8 nhóm ngành trên, tài chính ngân hàng đứng vị trí số 1 về lương cho lãnh đạo với mức chi trả nhiều hơn 8 số 0 một tháng.
Đặc biệt, các ngân hàng trả lương rất cao cho các vị trí liên quan đến quản lý rủi ro. Mức lương cho một giám đốc quản lý rủi ro có thể lên tới 400 triệu đồng/tháng - hơn mức cao nhất mà một giám đốc ngân hàng bán lẻ được nhận.
Mức lương của giám đốc quản lý rủi ro được cho là cao nhất.
Theo khảo sát thì sếp một ngân hàng bán lẻ có lương ít nhất là 200 triệu đồng/tháng còn vị trí giám đốc bán hàng doanh nghiệp ngành FMCG hay giám đốc luật tối thiểu là 80 triệu đồng, giám đốc công nghệ thông tin là 120 triệu đồng.
Tuy vậy, “sếp” ngân hàng cũng có nhiều vị trí khác nhau với mức lương chênh lệch đáng kể. Adecco cho biết: với một nhân sự cấp cao “lão làng” với kinh nghiệm từ 20-25 năm hoạt động trong ngành ngân hàng, 3 vị trí đứng đầu có mức lương không dưới 200 triệu gồm Giám đốc ngân hàng bán buôn, Giám đốc ngân hàng toàn cầu và Giám đốc ngân hàng bán lẻ.
Mức lương nhân sự có kinh nghiệm 20-25 năm.
Trong đó, lãnh đạo ngân hàng bán buôn nhận mức lương tốt nhất. Một sếp ngân hàng bán buôn có thế có thu nhập tới nửa tỷ đồng mỗi tháng. Vị trí đứng đầu ngân hàng bán lẻ có thu nhập 'khiêm tốn' hơn, với mức lương từ 220-360 triệu đồng/tháng.
Mức lương nhân sự có kinh nghiệm 15-20 năm.
Trong khi các cán bộ cấp cao nhận mức lương trăm triệu đồng mỗi tháng thì nhân viên ít kinh nghiệm với thâm niên dưới 3 năm, như vị trí kế toán giao dịch, sẽ nhận mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng. Nếu so sánh thì giám đốc ngân hàng bán buôn có lương hàng tháng gấp khoảng 70 lần một nhân viên kế toán mới vào nghề.
Ví dụ như: Năm 2013, mức thù lao cho ban lãnh đạo NHTMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) chỉ là 13 tỷ đồng/năm, thì sang tới năm 2014 mức thù lao được đề xuất nâng lên 15 tỷ đồng/năm. Với HĐQT và ban điều hành có 9 người, tính bình quân mỗi năm thù lao và chi phí cho HĐQT và ban điều hành là 1,7 tỷ đồng/người.
Thực tế, không chỉ Maritime Bank có “dàn” lãnh đạo nhận lương “khủng” mỗi tháng, mà tại nhà băng nhỏ hơn chuẩn bị sáp nhập vào Sacombank là NHTMCP Phương Nam (Southern Bank), thu nhập của lãnh đạo cấp cao thậm chí “ngốn” gần hết lợi nhuận mà nhà băng này đạt được trong năm 2013.
Báo cáo năm 2013, SouthernBank đã chi tới 14,1 tỷ đồng để trả lương và thưởng cho lãnh đạo cấp cao. Với 9 người trong HĐQT, thì tổng trên mỗi thành viên được nhận 1,44 tỷ đồng/người/năm, tương đương 120,4 triệu đồng/người/tháng. Còn 3 thành viên Ban kiểm soát nhận mỗi người bình quân 32,25 triệu đồng/tháng (tương đương 387 triệu đồng/năm).
Theo thống kê thì thu nhập của sếp Southern Bank đã “ăn đứt” thu nhập của lãnh đạo một trong 4 nhà băng thuộc top lớn nhất hiện nay là Vietcombank. Năm 2013 nhà băng này dành 0,35% lợi nhuận sau thuế để chi trả lương, thưởng cho thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát. Với lợi nhuận sau thuế đạt trên 4.377 tỷ đồng, quỹ thù lao của lãnh đạo nhà băng này năm 2013 là trên 15,31 tỷ đồng, tổng số tiền đã chi đến nay là hơn 8,6 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng một lãnh đạo Vietcombank nhận gần 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, so với BIDV thì lương của sếp Vietcombank vẫn “thua”. Năm 2013, BIDV chi 0,44% lợi nhuận sau thuế cho thù lao HĐQT và Ban kiểm soát. Quỹ lương này đạt trên 17,88 tỷ đồng trong năm 2013, tức bình quân mỗi sếp BIDV lĩnh 137,92 triệu đồng/tháng, tương đương trên 1,6 tỷ mỗi năm, đây chỉ là mức bình quân chung cho 13 người còn lương của Chủ tịch sẽ cao hơn thành viên HĐQT.
Lương nhân viên “lẹt đẹt”
Càng ngày, sự phân hóa thu nhập càng đậm nét trong hệ thống ngân hàng. Tại nhiều nhà băng sếp bự nhận lương, thu nhập mỗi tháng lên tới trên trăm triệu đồng thì nhân viên cấp dưới chỉ lĩnh bằng 1/10 lương của sếp. Thậm chí tại nhiều bộ phận lương nhân viên chỉ bằng 1/20 lương sếp.
Tại NHTMCP Á Châu (ACB): năm 2013 lương bình quân của mỗi cán bộ nhân viên ACB là 16,9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số bình quân, còn thực tế lương của cán bộ nhân viên ACB thấp hơn nhiều. Vị trí giao dịch viên lương trung bình của cán bộ ACB mỗi tháng chỉ khoảng 6-6,5 triệu đồng/tháng. Thậm chí, vào năm 2012 khi xảy ra vụ bầu Kiên, thu nhập của cán bộ nhân viên ACB đồng loạt giảm tới 30%. Lúc đó, mức thu nhập của cán bộ ở vị trí giao dịch viên đang từ 8 triệu đồng/tháng bị đánh tụt xuống chỉ còn 4,5-5 triệu đồng/tháng. Với mức lương này mỗi tháng, nhiều nhân viên cay đắng, thu nhập của họ chỉ ngang với thu nhập của bà bán hàng rau hay kinh doanh nhỏ lẻ.
Lương nhân viên chỉ ngang với thu nhập của bà bán rau.
Ngoài ra, năm 2013 phần lớn các ngân hàng như ACB, DongA Bank, Navibank... lợi nhuận đều giảm 10-30% so với năm 2012 khiến thu nhập của nhân viên giảm rõ rệt. Theo báo cáo, mức lương nhân viên của MB, VietinBank là trên 17 triệu đồng. Các ngân hàng khác có thu nhập thấp hơn nhưng cũng ở mức 12-15 triệu đồng, như Sacombank, Techcombank, VPBank, BIDV...
Nhưng trên thực tế, để được hưởng mức lương cao như vậy, một nhân viên ngân hàng cho biết chị làm ở ngân hàng A. đã hơn 4 năm, mỗi ngày vùi mặt ở cơ quan 10-11 tiếng. Thời điểm cuối quý hay cuối năm, nhiều khi phải làm từ sáng đến hơn 10h đêm. Tuy nhiên, mức lương chị đang được trả là hơn 7 triệu đồng/tháng.
Hay anh Hoàng Quân, nhân viên kinh doanh của ngân hàng VP Bank, phân trần, mức lương tháng của anh cũng chỉ 5-8 triệu đồng/tháng như nhiều nhân viên khác chứ không cao như công bố của ngân hàng. Số tiền này để trang trải cuộc sống và chi tiêu cá nhân anh cũng chưa đủ. Anh đã phải sử dụng các dịch vụ của ngân hàng như thấu chi tài khoản, vay thế chấp lương và dùng thẻ tín dụng... ” để bù vào.
Một lãnh đạo có chân trong Hội đồng quản trị một ngân hàng TMCP quy mô lớn thừa nhận, thu nhập trong ngành có sự phân hóa khá lớn giữa nhân viên và lãnh đạo cấp trung, cấp cao.
Thực tế hiện nay, rất ít ngân hàng công bố mức thu nhập của Hội đồng quản trị bởi điều này được cho là hết sức “nhạy cảm”, và không phải thành viên nào trong Hội đồng quản trị cũng có mức thu nhập như nhau.
Sự phân hóa thu nhập giữa sếp và nhân viên ngân hàng ngày càng đậm nét, điều này cũng cho thấy, thực tế mỗi nhân viên đang phải “gánh” thu nhập bình quân cho sếp để được bảng cân đối tài chính “đẹp” mỗi năm.
TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mức lương "khủng" giành cho nhân sự cấp cao ngành ngân hàng là thỏa đáng. Mức thu nhập này thể hiện đúng bản chất của thị trường, làm nhiều, trách nhiệm cao thì phải có thù lao cao.
Bích Ngọc (Tổng hợp)