Ngân hàng Agribank 'ôm' hơn 2 triệu tỷ bất động sản thế chấp, rầm rộ rao bán để thu hồi nợ

Ngân hàng Agribank liên tiếp rao bán bất động sản thế chấp để thu hồi nợ, vì \'bóng ma\' nợ xấu đang dần hiện rõ và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản.

Ngân hàng Agribank ráo riết rao bán bất động sản thế chấp

Thời gian gần đây, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam (Agribank) liên tục rao bán các bất động sản thế chấp từ vài tỷ đồng đến trăm tỷ đồng để nhanh chóng thu hồi nợ xấu.

Mới đây nhất, Agribank thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ có tài sản bảo đảm của Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Tùng.Tổng giá trị khoản nợ đến ngày 15/10/2018 là 708,3 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 352,1 tỷ đồng và nợ lãi là 356,1 tỷ đồng. Tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 15/10/2018 cho đến khi doanh nghiệp thanh toán hết nợ gốc tiền vay tại ngân hàng.

Tài sản bảo đảm khoản nợ là giá trị quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh, diện tích 6.952 m2 thuộc thửa 155, tờ bản đồ số 9 tại huyện Bình Chánh, TP HCM. Ngoài ra tài sản bảo đảm còn có tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh phúc được xây dựng trên thửa đất số 155, tờ bản đồ số 9 xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM. Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ là 363 tỷ đồng. Thời gian tổ chức đấu giá là ngày 6/10/2022.

Ngoài ra, ngân hàng Agribank cũng thông báo đấu giá khoản nợ của CTCP Đầu tư Xây dựng Thăng Long với giá khởi điểm là 172 tỷ đồng. 

Tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai đối với dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng Cúc Phương thuộc xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” gắn liền với thửa đất có diện tích 990.164 m2, công ty là chủ đầu tư.

Các tài sản hình thành tại dự án là nhà tròn trung tâm, nhà hàng, phòng hội thảo, khu chăm sóc sức khỏe; bể bơi trong nhà và ngoài trời, nhà đón tiếp tại bãi để xe, khu trại hè, sân tập golf, sân tennis. Ngoài ra tài sản tại dự án còn có các khu Bungalow; khu Biệt thự số 10, 11, 12 với các biệt thự song lập và tứ lập; Khu nhà ở cán bộ nhân viên và các hệ thống đường giao thông, đường dây điện và trạm biến áp, hệ thống hạ tầng, cây xanh cảnh quan,… và các phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng tại dự án.

Dự án Khu du lịch suối khoáng nóng Cúc Phương – Nho Quan – Ninh Bình. (Nguồn ảnh: cucphuongresort.vn)
Dự án Khu du lịch suối khoáng nóng Cúc Phương – Nho Quan – Ninh Bình. (Nguồn ảnh: cucphuongresort.vn)

Trước đó, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Đầu tư và Sản xuất Kiến An và hai khoản nợ của khách hàng cá nhân có tên Lê Văn Nam và Lại Hữu Phong.

Agribank cho biết tính đến ngày 9/8/2021, tổng dư nợ của CTCP Đầu tư và Sản xuất Kiến An là 23,1 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 16,3 tỷ đồng. Tổng dư nợ của ông Lê Văn Nam là 18,8 tỷ đồng, nợ gốc là 14 tỷ đồng và ông Lại Hữu Phong ghi nhận tổng dư nợ 19,7 tỷ đồng, nợ gốc 14,7 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ trên là hai quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với hơn 2.700 m2 đất tại địa chỉ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP HCM. Trong đó, lô đất thứ nhất rộng 1.347 m2, lô đất thứ hai rộng 1.395 m2, cùng là đất ở nông thôn lâu dài. Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 46,4 tỷ đồng, tương đương với 75% tổng dư nợ của CTCP Đầu tư và Sản xuất Kiến An và hai khách hàng cá nhân.

Cuối tháng 8/2022, Agribank AMC thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH TH Bonbon (Công ty Bonbon). Tài sản đấu giá là nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc gắn liền với quyền sử dụng đất thuê thuộc sở hữu của Công ty Bonbon và toàn bộ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất thức ăn gia súc thuộc sở hữu của công ty tại xã Hợp Châu (nay là Thị trấn Hợp Châu), huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhóm tài sản gồm hai công trình trên đất giai đoạn 1 và giai đoạn 2 là nhà xưởng và một số hạng mục như nhà văn phòng, nhà ăn, nhà kho Zamin, hệ thống tháp sản xuất. Ngoài ra tài sản đảm bảo cũng là một số hạng mục phụ trợ cùng nhiều hệ thống máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc.

Giá khởi điểm Agribank AMC đưa ra là 83,8 tỷ đồng. Khoản nợ này từng được Agribank AMC thông báo bán đấu giá từ tháng 8/2021 với mức giá khởi điểm khi đó là hơn 103,5 tỷ đồng. So với thời điểm hiện tại, mức giá khởi điểm đã giảm gần 20 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 8/2022, ngân hàng Agribank chi nhánh An Phú thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại quận Bình Thạnh, TP HCM để thu hồi nợ.

Tài sản trên bảo đảm cho khoản vay của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Quốc tế Thái Dương và khoản vay của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ V.LIFE tại Agribank Chi nhánh An Phú. Tài sản gồm hơn 3.000 m2 diện tích đất ở đô thị, trong đó có hơn 96 m2 là nhà ở, Agribank cho biết tại thời điểm đấu giá căn nhà đã xuống cấp và không còn nguyên hiện trạng như mô tả.

Giá khởi điểm cho hơn 3.000 m2 diện tích đất là 164,8 tỷ đồng, giảm hơn 30 tỷ đồng so với lần rao bán hồi năm 2021.

Tháng 8/2022, nhà băng này cũng phát mại 3 bất động sản tại TP Thủ Đức với giá khởi điểm 86,6 tỷ đồng, giảm hơn 400 triệu đồng so với lần rao bán hồi đầu tháng 7/2022. Tài sản đảm bảo là 2 lô đất rộng gần 1.000 m2 tại TP Thủ Đức, TP HCM cùng với đó là công trình trên đất có diện tích sàn xây dựng 3.525 m2.

Ngân hàng Agribank 'ôm' hơn 2 triệu tỷ bất động sản thế chấp, rầm rộ rao bán để thu hồi nợ - Ảnh 1

Đặc biệt, đầu tháng 8/2022, ngân hàng Agrank thông báo bán tài sản tại số 19 phố Hàng Chiếu, lô đất có diện tích 160 m2 được rao với giá khởi điểm 107 tỷ đồng.

Ngoài ra, Agribank có thông báo bán đấu giá 14 bất động sản tại Hà Giang, 5 bất động sản tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, cùng 2 dây chuyền sản xuất chè với giá khởi điểm 102 tỷ đồng.

Agribank còn phát mại hàng chục bất động sản tại TP HCM, giá khởi điểm từ 10 đến 70 tỷ đồng. Đơn cử, Agribank chi nhánh Vĩnh Long bán đấu giá 1.941 m2 đất ở đô thị tại số 55/6C ấp Mỹ Hòa 3, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ có diện tích xây dựng 127 m2. Giá khởi điểm là 70 tỷ đồng; Agribank chi nhánh Phú Nhuận cũng thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá với tài sản bảo đảm là hai lô đất tại TP Thủ Đức. Trong đó, một lô đất rộng 1.055 m2 với giá khởi điểm 44 tỷ đồng. Môt lô đất khác tại phường Hiệp Bình Chánh rộng 200 m2 được rao bán với giá 20 tỷ đồng;...

Còn trong tháng 7/2022, ngân hàng Agribank thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm và thẩm định giá nhiều bất động sản tại quận 1, quận 3, quận 7, quận Bình Thạnh, huyện Nhà Bè và huyện Hóc Môn, TP HCM. Chẳng hạn, Agribank chi nhánh Nhà Bè thông báo đấu giá khoản nợ 56 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 21,9 tỷ, giá khởi điểm tương đương với tổng dư nợ. Khoản nợ được thế chấp bằng hai quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, trong đó một tại quận 3 và một tại quận 7.

Sở hữu hơn 2 triệu tỷ đồng bất động sản thế chấp

Cho vay là hoạt động mang lại nguồn thu chủ yếu cho ngân hàng nhưng đây cũng là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro và phức tạp. Đối với các ngân hàng hàng thương mại, hoạt động định giá bất động sản thế chấp có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở cho việc ra quyết định cho vay, đầu tư, góp vốn, cấp vốn vào các dự án, góp phần hạn chế nợ xấu và rủi ro tín dụng.

Tài sản bảo đảm tại các ngân hàng hiện nay rất đa dạng từ bất động sản, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho, khoản phải thu,….Tuy nhiên, tài sản chủ yếu và phổ biến nhất vẫn là bất động sản.

Tính đến cuối năm 2021, Agribank là nhà băng sở hữu khối tài sản thế chấp là bất động sản lớn nhất hệ thống.

Ngân hàng Agribank 'ôm' hơn 2 triệu tỷ bất động sản thế chấp, rầm rộ rao bán để thu hồi nợ - Ảnh 2

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021, tại ngày 31/12/2021, giá trị sổ sách các tài sản thế chấp của khách hàng tại ngân hàng Agribank đạt hơn 2,32 triệu tỷ, tương đương tăng hơn 262.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2020. Tổng giá trị tài sản thế chấp tại nhà băng này cao hơn 77% so với số dư cho vay khách hàng cùng thời điểm.

Trong đó, riêng tài sản thế chấp là bất động sản tại Agribank đã có giá trị trên 2,01 triệu tỷ đồng, chiếm 87% tổng giá trị tài sản thế chấp và tăng gần 10% so với cuối năm 2020. Tốc độ tăng này còn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của Agribank năm 2021 (8%). Kéo theo tỷ lệ tài sản thế chấp/dự nợ cho vay của Agriabnk ở mức 174%, tương ứng cứ mỗi đồng cho vay được đảm bảo bởi 1,74 đồng tài sản thế chấp và riêng bất động sản thế chấp là 1,53 đồng.

Ngoài ra, trong cơ cấu tài sản thế chấp của Agribank có khoảng 139.200 tỷ đồng tài sản thế chấp là động sản, chỉ chiếm 6% tổng giá trị tài sản thế chấp tài sản; hơn 57.524 tỷ là giấy tờ có giá của khách hàng cùng khoảng 70.184 tỷ là giá trị các tài sản đảm bảo khác.

Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính giữa niên độ 2022, số liệu về tài sản thế chấp và bất động sản thế chấp tại nhà băng này không được đề cập đến.

Với lượng bất động sản thế chấp khủng cỡ này, không lạ gì khi thấy Agribank luôn đi đầu trong việc thanh lý bất động sản để thu hồi nợ xấu. Đồng thời, số dư nợ xấu tại nhà băng này luôn ở vị trí ‘quán quân’.

Cụ thể, tính đến 30/6/2022, tổng nợ xấu tại Agribank gần 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm đến 64,6% nợ xấu với 19.375 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng tăng từ 1,87% vào cuối năm ngoái lên 2,16% khi kết thúc nửa đầu năm.

Chi tiết các nhóm nợ của Agribank. (Nguồn: BCTC Agribank).
Chi tiết các nhóm nợ của Agribank. (Nguồn: BCTC Agribank).

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, tỷ lệ nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng xấu đi trong 2 quý đầu năm một phần là do việc phân loại lại các khoản nợ tái cơ cấu thành nợ nhóm 4 hoặc 5 sau khi hết thời hạn tái cơ cấu. Các khoản nợ tái cơ cấu này có thể sẽ tiếp tục tăng lên khi Thông tư 14 hết hạn (ngày 30/6/2022).

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục