Ngăn chặn phân lô bán nền, Khánh Hòa tạm dừng tiếp nhận hiến đất làm đường

Để hạn chế tình trạng phân lô bán nền diễn ra tràn lan, Khánh Hòa yêu cầu tạm dừng bố trí diện tích để mở lối đi chung, sử dụng chung khi thực hiện thủ tục chia, tách thửa đất.

Quyết tâm dẹp phân lô bán nền 

Mới đây, Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa) có văn bản gửi các Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai về việc tạm dừng các trường hợp tách thửa có bố trí lối đi chung.

Theo đó, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa đề nghị chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện, thị xã, thành phố tạm dừng việc bố trí diện tích để mở lối đi chung, sử dụng chung khi thực hiện thủ tục chia, tách thửa đất cho đến khi có quyết định, quy định tách thửa mới.

Ngăn chặn phân lô bán nền, Khánh Hòa tạm dừng tiếp nhận hiến đất làm đường
Ngăn chặn phân lô bán nền, Khánh Hòa tạm dừng tiếp nhận hiến đất làm đường

“Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng thuộc địa bàn quản lý. Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp phụ trách, tham mưu công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng nếu có hành vi tiếp tay trục lợi hoặc cố tình vi phạm kể từ sau thời điểm ban hành Chỉ thị số 22 ngày 3/10/2019 thì cần được xem xét trách nhiệm kỹ lưỡng, nghiêm minh hơn, xử lý kỷ luật nghiêm khắc hơn”, công văn của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà nêu

Trả lời báo chí, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho rằng tình trạng phân lô, bán nền trên địa bàn đã trở thành “mô típ” quen thuộc của các nhà đầu tư, môi giới bất động sản nhằm hợp thức hóa các “dự án” mà không cần sự cho phép của chính quyền hoặc làm thủ tục về đầu tư liên quan.

Được biết, các “dự án” xảy ra việc phân lô, bán nền hầu hết tập trung tại các địa phương đang có doanh nghiệp tìm hiểu, xin chủ trương đầu tư dự án. “Những “dự án” sẽ được phân lô, bán nền rồi nhà đầu tư chào bán theo nhiều hình thức nhằm đánh bóng và đẩy giá lên cao, thậm chí tạo ra sốt “ảo” ở những khu vực này để có điều kiện thuận lợi khi buôn bán.

Hồi tháng 3, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản về việc chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng (đối với khu vực đô thị) hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn (đối với khu vực nông thôn) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có, dẫn đến hình thành các điểm dân cư mới chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng khu vực, gây ra tình trạng phân lô bán nền tràn lan trên địa bàn.Cùng thời điểm này, UBND huyện Cam Lâm đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện. Nguyên nhân là do tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng chưa được thực hiện thường xuyên, các vi phạm xảy ra nhưng chưa được kịp thời xử lý,...

Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa Phan Việt Hoàng cho rằng, nếu không kiểm soát được việc phân lô bán nền tự phát sẽ gây ra nhiều hệ lụy phức tạp như tình trạng khiếu kiện, phá vỡ quy hoạch phát triển chung của khu vực, kể cả quy hoạch giao thông và xây dựng.

“Trong trường hợp hình thành nhiều khu dân cư tự phát với quy mô lớn sẽ kéo theo những bất cập trong việc giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường… cho người dân. Về lâu dài, sẽ phát sinh nhiều tiêu cực và hệ lụy cho xã hội, làm cạn kiệt tài nguyên. Đối với những dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc tiếp cận với quỹ đất bởi tình trạng “da beo”, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư”, ông Phan Việt Hoàng cho hay.

Thủ phủ phân lô bán nền Cam Lâm vẫn hoạt động nhộn nhịp 

Thời điểm từ năm 2020 đến nay, huyện Cam Lâm có hàng trăm “dự án” được gắn với những tên gọi rất “mỹ miều” như: Cam Lâm Central Park, Suối Tân Diamond, Cam Lâm Future City, Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Golden Hill (Meha Group), Cam Đức Center, Khu dân cư Cam Lâm NewTown, Khu dân cư Ario Gold, Cam Lâm Ocean Villas …do công ty bất động sản tên tuổi như Hưng Vượng Holdings, Cường Thịnh Land, Vakaland, Ario Group… phân phối đất nền trên địa bàn huyện. 

Hàng loạt dự án "ma" tại thủ phủ phân lô bán nền Cam Lâm
Hàng loạt dự án "ma" tại thủ phủ phân lô bán nền Cam Lâm

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình, thuộc đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định: “Theo quy định của Luật thuế việc công ty giao dịch, mua bán đều phải chuyển qua tài khoản công ty và phải xuất hoá đơn cho khách hàng. Như vậy, thuế ở đây bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT. Một công ty khi giao dịch bán, chuyển nhượng bất động sản nhưng lại yêu cầu khách chuyển tiền nhận chuyển nhượng vào tài khoản cá nhân. Điều này có dấu hiệu của hành vi trốn thuế. Cơ quan chức năng cần xác minh, sao kê làm rõ dòng tiền, số tài khoản, giao dịch, hợp đồng… nếu có dấu hiệu tội phạm thì cần khởi tố vụ án theo quy định”.   

Những “dự án” này được một số công ty môi giới bất động sản có "tên tuổi" trên thị trường và giới thiệu với những lời có “cánh” và hàng loạt ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư đặt cọc.

Điển hình như, khu dân cư Cam Lam Ocean Villas tại xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm và do một cá nhân tự phân thành 40 lô đất. Khu đất này là đất trồng cây lâu năm, tuy nhiên, người dân dung tuyệt chiêu hiến đất làm đường và tách ra nhiều lô có diện tích nhỏ, cho nhiều cá nhân đứng tên, để rao bán.  

Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thuận Phát đang rao bán khu phân lô trên đất nông nghiệp này. Theo thông tin PV có được, khách hàng đặt cọc, hay giao dịch mua bán đều chuyển tiền vào tài khoản cá nhân ông Đặng Văn Tùng, Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Thuận Phát. Vậy có hay không việc “thất thu” và có dấu hiệu trốn thuế trong các giao dịch bất động sản này? 

Tại thửa đất số 82, tờ bản đồ số 29 có diện tích 2720,5m2; thửa đất số 253, tờ bản đồ 29 có diện tích 1654,8m2 được các cá nhân này “phù phép” thành 33 lô nền. Các chủ đất này uỷ quyền cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Năm Châu (quận Hoàng Mai, Hà Nội, ông Nguyễn Đoàn Việt làm Tổng Giám đốc) “chạy” thủ tục với cơ quan chức năng để “vẽ” ra 33 lô nền. Tập đoàn Năm Châu lại giao Công ty Cổ phần Imperland bán sản phẩm.

Nếu khách hàng muốn mua nền thì sẽ thanh toán bằng tiền mặt, hoặc chuyển khoản vài tài khoản cá nhân mang tên Đỗ Trọng Kiên. Tài khoản cá nhân nhận tiền trong giao dịch bất động sản là 19030168647023 của ngân hàng Techcombank. Ông Kiên cũng chính là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Imperland. 

Tình trạng trốn thuế trong giao dịch bất động sản tại Cam Lâm rất phổ biến. Các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng kẻ hở của pháp luật để gia tăng lợi nhuận khi tiền khách hàng đóng để mua đất đều vào tài khoản cá nhân (đáng lẽ phải vào tài khoản doanh nghiệp).
Tình trạng trốn thuế trong giao dịch bất động sản tại Cam Lâm rất phổ biến. Các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng kẻ hở của pháp luật để gia tăng lợi nhuận khi tiền khách hàng đóng để mua đất đều vào tài khoản cá nhân (đáng lẽ phải vào tài khoản doanh nghiệp).

Hay khu phân lô bán nền của hộ bà Trần Thị Phương Hà (tại thửa 271, tờ bản đồ 22, xã Cam Hải Tây) dọc Quốc lộ 1A, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm. Sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên đất thổ cư, chủ lô đất đã phân ra thành 74 lô để tổ chức phân lô bán nền.  

Còn nhóm chủ đất có tên Lương Công Danh, Lê Văn Trung, Nguyễn Thành Lê tại thửa 772, 774, 779… Các thửa đất này sau nhiều lần “phù phép” đã được chia thành 64 lô và được các sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội như Mai Việt Land (219 Trung Kính), Cen Housing chào bán.

Theo tìm hiểu của PV, ông Lương Công Danh là chủ đất nhiều “dự án” phân lô tại Cam Lâm. Các khu đất cứ rơi vào tay ông Danh là được vẽ thành các “dự án” sang tay cho nhiều người, trở thành “ông trùm” phân lô bán nền trên địa bàn huyện Cam Lâm vì ông Lương Công Danh là con trai ông Lương Dự (nguyên Bí thư huyện Cam Lâm).

Còn tại Cam Hiệp Nam, dự án ma mang tên “Khu dân cư đất nền Ario Gold Cam Hiệp Nam” cũng vừa ra đời với 78 lô được Công ty Cổ phần Thương mại Địa ốc Hưng Thịnh Holdings (Hà Nội) đang chào bán rộng rãi cho khách hàng. Tại Cam Thành Bắc cũng xuất hiện dự án ma mang tên Suối Cát Riverside với 17 lô nền. Hay Cam Lâm Golden Hill do Meha Group cũng phù phép phân lô bán nền thành dự án “ma” để lừa khách hàng.

Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, để ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật trong việc phân lô, mua bán đất nền khi chưa đủ điều kiện pháp lý để tiến hành giao dịch mua bán, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo chính quyền các huyện, thị xã, TP tăng cường kiểm soát, rà soát kỹ khi xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể liên quan đến việc tách, nhập thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ và các loại đất khác sang đất ở…).

Theo ông Tuân, Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đã yêu cầu các địa phương báo cáo cấp ủy theo đúng quy chế làm việc của từng địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền không đúng quy định của pháp luật, vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là chuyển đổi mục đích đất, phân lô bán nền trái phép có quy mô lớn.

Ngoài ra, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có liên quan công bố công khai, minh bạch các quy hoạch, thông tin về dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để người dân biết và thực hiện, góp phần hạn chế việc lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, gây ra tình trạng “sốt đất ảo” nhằm trục lợi, gây bức xúc trong dư luận.

Thái Minh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục