Theo cơ chế mới (Nghị định 51 của Chính phủ ngày 14/5/2013 và Thông tư 19 của Bộ LĐ-TB&XH ban hành tháng 9/2013) thì tiền lương của các viên chức quản lý DNNN sẽ bị giám sát rất chặt.
Theo đó, lương cơ bản cho vị trí chủ tịch tập đoàn, theo quy định chỉ là 36 triệu/tháng; tổng giám đốc tập đoàn được 35 triệu đồng/tháng. Căn cứ vào việc công ty có đạt lợi nhuận hay không, lãi lỗ như thế nào, mức lương chi trả thực tế cho từng “sếp” có thể cao hoặc thấp hơn so với mức lương cơ bản.
Nghị định trên được ban hành sau khi có những vụ lùm xum liên quan đến việc mức lương của các “sếp” trong các doanh nghiệp nhà nước được trả quá cao. Dư luận đã từng rất bức xúc khi lương của Tổng giám đốc công ty lên tới 2,2 tỷ/năm, của chủ tịch HÐTV 2,4 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên việc đặt mức giá trần cho các lãnh đạo trong các doanh nghiệp nhà nước có phù hợp với xu thế hiện nay khi mà chúng ta đang cần rất nhiều người có tài để điểu hành giúp doanh nghiệp phát triển.
Theo ông Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương thì tiền lương là một trong số các đòn bẩy cơ bản được sử dụng để làm hài hòa lợi ích của người quản lý và người chủ sở hữu. Và họ nên được trả lương theo hiệu quả và kết quả hoạt động của doanh nghiệp do họ quản lý điều hành. Tất nhiên mức lương của họ phải tương đương với những người quản lý cùng loại trên thị trường lao động.
Nên điều chỉnh lương lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước theo cơ thế thị trường?
Ông Cung cũng nêu thực tế tại Việt Nam, trong mấy năm gần đây, dư luận xã hội cho rằng lương của những người quản lý doanh nghiệp nhà nước là quá cao nhưng không ai nêu được quá cao so với cái gì? Và mức lương nào được coi là hợp lý?
Theo ông việc các cơ quan nhà nước quy định mức trần tiền lương đối với các chủ tịch, thành viên hội đồng thành viên, và giám đốc, tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước là không hợp lý và đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuyển chọn lao động, nhất là lao động quản lý và lao động có trình độ, kỹ năng cao.
Vấn đề hiện nay là phải xác định tiền lương của các vị lãnh đạo này như thế nào?
Theo ý kiến của ông Cung thì nên trả lương cho các “sếp” trong doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường thay vì trả theo khung giá trần đã quy định.
Bởi vì xét cho cùng thì tiền lương là “giá” của sức lao động. Mà đã là giá thì phải được vận hành theo cơ chế thị trường tức là theo quan hệ cung cầu thị trường. Như vậy lương của các lãnh đạo sẽ được trả căn cứ theo mức độ hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp. Khi đánh giá, phải xác định được sự đóng góp của các nỗ lực quản lý, loại trừ các yếu tố khách quan, tác động đến kết quả nói trên.
Việc nhận định tiền lương của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước dường như đang được hiểu theo mối tương quan với lương của công chức nhà nước, hơn là người quản lý doanh nghiệp. Điều đó làm cho chúng ta có những nhận định lệch lạc về việc xác định mức lương của lãnh đạo.
Cho nên cần phải tách biệt bổn phận và chức năng của người quản lý doanh nghiệp. Họ chỉ là người quản lý doanh nghiệp, không phải là công chức nhà nước vì thế không áp dụng các chính sách, chế độ, công cụ làm việc, cách thức đánh giá và trả lương của công chức nhà nước cho người quản lý doanh nghiệp.
Ngoài ra cần công khai hóa toàn bộ tiền lương và thu nhập khác từ doanh nghiệp của người quản lý để không tạo sự nghi ngờ và những thắc mắc của người dân.
Tóm lại trong cơ chế thị trường hiện nay thì việc đặt mức trần cho lương của các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước là không phù hợp. Không nên coi người quản lý doanh nghiệp nhà nước là công chức nhà nước và nên trả lương cho họ theo cơ chế thị trường và theo mức độ đóng góp của họ đối với kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
NQ (Tổng Hợp)