Nên hay không nên bỏ lãi suất cơ bản?

(Kinhdoanhnet) – Theo ý kiến của Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nên sử dụng lãi suất bình quân liên ngân hàng thay thế cho lãi suất cơ bản để hợp lý hơn và đỡ rối hơn.

Trong phiên thảo luận Hội trường về Bộ luật Dân sự (sửa đổi) diễn ra chiều 25/6, nhiều đại biểu tỏ ra khá băn khoăn với quy định tại khoản 4 Điều 481: “Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ, thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng.”

Nhiều đại biểu cho rằng quy định này là không phù hợp bởi kể từ năm 2011 đến nay Ngân hàng Nhà nước đã không công bố lãi suất cơ bản trong khi đó chỉ công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất bình quân liên ngân hàng.

Nên hay không nên bỏ lãi suất cơ bản?
Nên hay không nên bỏ lãi suất cơ bản?

Cho dù trước năm 2011, Ngân hàng Nhà nước có công bố lãi suất cơ bản nhưng cũng không công bố lãi suất cơ bản đối với từng loại vay tương ứng. Do đó việc áp dụng vào thực tế trong từng trường hợp cũng sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Cũng chính vì vậy, trong phiên thảo luận lần này Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đã mạnh dạn kiến nghị ban soạn thảo nên sử dụng lãi suất bình quân liên ngân hàng thay thế cho lãi suất cơ bản để hợp lý hơn và đỡ rối hơn.

“Việc thay thế lãi suất cơ bản bằng lãi suất bình quân liên ngân hàng vừa phù hợp với luật hiện hành, vừa phù hợp với thực tiễn phát sinh hiện nay. Tôi đã trao đổi với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và họ đồng ý với ý kiến này" – Đại biểu Ngân nói.

Ngoài ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) còn cho rằng quy định lãi suất cho vay theo thỏa thuận sẽ không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại Bộ luật Dân sự  cũng là không phù hợp.

Bởi lãi suất cơ bản chỉ là mức lãi suất chung với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường.

Thêm vào đó lãi suất này không được chia thành các mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau. Do vậy chủ thể tham gia giao dịch khó có thể biết mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố có phù hợp với loại vay tương ứng hay không.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nên bỏ quy định này trong Bộ Luật. Bởi theo ông Trần Du Lịch, trước đây chúng ta có quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản để làm cơ sở cho cơ quan điều tra truy tố cho vay nặng lãi, nhưng trên thực tế rất ít khi sử dụng tới.

“Chúng ta phải tính toán lại điều khoản này thế nào cho phù hợp. Bây giờ sửa luật, chúng ta không nên đưa quy định này làm gì. Còn nếu đưa vào thì chỉ quy định một cái rất chung là lãi suất do các bên thỏa thuận. Còn lại, nên bỏ lãi suất cơ bản  đi để đỡ rối”, ông Lịch cho biết.

Tuy nhiên chiều ngược lại, nhiều ý kiến lại nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật và cho rằng, quy định về mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố sẽ bảo đảm được tính công khai, minh bạch, khả thi và thống nhất trong thực tiễn thi hành pháp luật.

Bên cạnh đó việc áp dụng mức lãi suất trần theo cơ chế này sẽ bảo đảm phù hợp được với tình hình phát triển chưa bền vững của nền kinh tế ở nước ta và góp phần ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi trong thực tiễn giao lưu dân sự.

Minh anh (TH theo TBTC; TBNH; VnEconomy)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục