Mỹ sợ ‘zombie company’, Trung Quốc lo ‘doanh nghiệp xác sống’

Các công ty lớn của Mỹ và Trung Quốc đang trở thành những ‘thây ma’, duy trì hơi thở bằng cách vây ngân hàng, gánh trên vai khoản nợ khổng lồ.

Mỹ hiện đang có hàng trăm ‘công ty zombie’

Theo hãng tin Bloomberg, do hậu quả của đại dịch coronavirus (COVID-19) nền kinh tế Mỹ đang bị đe dọa bởi cái gọi là các ‘công ty thây ma’ (‘công ty xác sống’), hiện đang chỉ còn thoi thóp và duy trì sự sống nhờ các khoản vay ngân hàng khổng lồ, không có khả năng thanh toán.

Theo định nghĩa của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), “zombie company” (công ty xác sống, thây ma) là một công ty đại chúng có tuổi đời ít nhất 10 năm và có khoản thanh toán lãi cho các khoản vay vượt quá thu nhập trước lãi suất và thuế. Nói cách khác, nó cần được bơm tài chính liên tục để duy trì hoạt động.

Theo số liệu thống kê được Bloomberg đăng tải, trong số 3.000 công ty đại chúng lớn nhất cả nước, ít nhất 200 công ty đã gia nhập hàng ngũ “thây ma” kể từ đầu đại dịch. Các công ty này đã tích lũy khoản nợ ngân hàng khoảng 1,4 nghìn tỷ USD.

Trả lời câu hỏi, tại sao các công ty zombie lại nguy hiểm? Hãng tin chỉ ra rằng, sự gia tăng số lượng của chúng hàng năm sẽ ngày càng gây áp lực lớn lên nền kinh tế Mỹ.

Để đối phó với tình trạng này, các nhà chức trách Hoa Kỳ đang tìm cách kiềm chế làn sóng phá sản và mua trái phiếu doanh nghiệp; tuy nhiên, điều này có sẽ dẫn tới hệ lụy xấu khác.

Các chuyên gia phân tích kinh tế tin rằng, việc giúp đỡ các công ty gặp khó khăn có thể dẫn đến tình trạng là dòng vốn sẽ chảy vào các công ty kém hiệu quả, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh sẽ giảm mạnh trong nhiều năm tới, đưa nền kinh tế Mỹ sa vào một cuộc khủng hoảng mới.

Tuy nhiên, làn sóng zombie không chỉ xuất hiện ở Mỹ mà còn có ở nhiều cường quốc kinh tế khác như Trung Quốc hay Anh, Pháp, Đức. Hiện ngày càng nhiều “công ty thây ma” xuất hiện ở Đức nơi được mệnh danh là nền kinh tế số một ở châu Âu và và Trung Quốc – cường quốc kinh tế số 2 thế giới.

Hàng ngàn doanh nghiệp dạng “xác sống” đang không thể trang trải chi phí dịch vụ nợ của họ từ hoạt động kinh doanh đã lâu không sinh lợi và lại tiếp tục đi vay ngân hàng. Nhiều nhà kinh tế học thuyết phục rằng, tốt hơn là để các công ty như vậy đóng cửa hơn là duy trì chúng một cách giả tạo.

Mỹ sợ ‘zombie company’, Trung Quốc lo ‘doanh nghiệp xác sống’ - Ảnh 1
Cả Mỹ và Trung Quốc đều đứng trước nguy cơ lớn từ các công ty zombie

Trung Quốc: Ngân hàng đen và công ty xác sống

Riêng với Trung Quốc, không chỉ tới khi đại dịch COVID-19 bùng phát mà từ năm 2019, nước này đã gặp phải cảnh báo về sự nguy hiểm tới từ các ‘ngân hàng đen’ và ‘doanh nghiệp xác sống’.

Ngay từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách mở rộng cho vay nhưng không có cơ chế kiểm soát hiệu quả. Do đó, đến năm 2016, tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP ở Trung Quốc đạt khoảng 160% và tổng nợ công là 230%.

Ngoài ra do sức ép của chương trình chiến lược “Made in China - 2025”, trong những năm gần đây, Bắc Kinh ồ ạt thu mua những công ty phương Tây để tiếp cận các công nghệ tiên tiến nhất và trong nỗ lực vượt trước các đối thủ nước ngoài, các công ty Trung Quốc đã tích cực vay tín dụng.

Báo cáo thường niên năm 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh rằng, nợ công của Trung Quốc đã tăng nhanh nhất trong mười năm qua. Kể từ năm 2010, tổng số nợ theo tỷ lệ so với GDP đã tăng gần 3/4 - vọt lên tới 255% và tổng số nợ vượt quá 20 nghìn tỷ USD. Trong đó, nợ doanh nghiệp của Trung Quốc là lớn nhất thế giới.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, chỉ riêng trong năm 2019, nợ doanh nghiệp của Trung Quốc đã tăng 3,8 điểm %, trong khi nợ công đã tăng 0,8 điểm %, còn nợ hộ gia đình chỉ tăng 0,9 điểm %.

Đóng góp lớn vào thành tích tồi tệ này là các “ngân hàng đen” (shadow banking) - các ngân hàng này cho vay thông qua các ngân hàng con hoặc các công ty tài chính - sẵn sàng làm tất cả chỉ vì lợi nhuận, bất chấp rủi ro.

Tình trạng này ngày càng trở nên đáng báo động hơn sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến các công ty bị đình đốn kinh doanh, buộc phải đi vay để duy trì hoạt động tới khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và triển vọng sản xuất, kinh doanh khả quan hơn.

Trước thực trạng trên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo, bong bóng nợ của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực nợ công và nợ doanh nghiệp không chỉ dẫn đến sự khủng hoảng của nền kinh tế nước này, mà còn gây ra một cuộc khủng hoảng mới ở châu Á, tương tự như năm 1997.

Thiên Nam

Baodatviet
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục