Mỹ - Trung bế tắc ngay từ bước chọn ngày đàm phán thương mại

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn chưa thể thống nhất một chương trình đàm phán cụ thể trong tháng 9 này do cả hai bên đều không tin tưởng lẫn nhau.

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết trong các cuộc đối thoại tuần trước, hai bên đã gặp bất đồng và không thể thống nhất được ít nhất hai vấn đề.

Thứ nhất là đề nghị của phía Mỹ trong việc xác định các tham số cụ thể (trong đó có thời gian) cho vòng đàm phán thương mại tới. Thứ hai là yêu cầu của Trung Quốc về việc Mỹ lùi thời điểm áp thuế quan đến sau ngày 1/9.

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định vẫn áp thuế suất 15% lên khoảng 110 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9 như tuyên bố trước đó, đẩy căng thẳng thương mại lên nấc thang mới.

Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc áp thuế lên khoảng 25 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Ngày 15/12 tới, dự kiến Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế lên khoảng 160 tỉ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc cũng trả đũa bằng thuế quan đối với khoảng 50 tỉ USD hàng hóa Mỹ.

Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ lập tức giảm điểm sau khi Bloomberg đưa tin hai nước bất đồng ngay từ việc chọn ngày đàm phán.

Đợt thuế quan 15% áp lên 110 tỉ USD hàng Trung Quốc ngày 1/9 này sẽ tác động tới người dân Mỹ trực tiếp hơn cả thuế quan 25% áp lên 250 tỉ USD hàng hóa hiệu lực hồi tháng 9 năm ngoái.

Nguyên nhân là đợt thuế quan mới này chủ yếu nhằm vào hàng hóa tiêu dùng thiết yếu từ giày dép, hàng dệt may đến các sản phẩm công nghệ như Apple Watch.

Đợt thuế quan tiếp theo áp lên khoảng 160 tỉ USD hàng Trung Quốc từ ngày 15/12 sẽ ảnh hưởng nhiều mặt hàng như máy tính xách tay (laptop) và điện thoại di động.

Mỹ - Trung bế tắc ngay từ bước chọn ngày đàm phán thương mại - Ảnh 1
Đợt thuế quan 15% áp lên hàng Trung Quốc từ ngày 1/9 được cho là sẽ tác động lớn, trực tiếp tới người tiêu dùng Mỹ. Nguồn: Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Bloomberg.


Về phần mình, các lãnh đạo Trung Quốc không muốn tỏ ra yếu đuối trước áp lực thuế quan từ phía Mỹ và cũng phải rất thận trọng khi xác định ngày đàm phán vì ông Trump thường bất ngờ thay đổi thái độ chỉ với một thông báo ngắn gọn trên Twitter.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết việc hai nước chưa xác định được ngày đàm phán không có nghĩa là hai nước sẽ không đàm phán.

Bloomberg liên hệ với Bộ Thương mại Trung Quốc để hỏi về ngày đàm phán sắp tới nhưng chưa nhận được phản hồi.

Ngày 2/9, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã gửi đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Mỹ áp thuế nhập khẩu vào hàng Trung Quốc.

Trước việc Mỹ tăng cường đánh thuế, Hội đồng nhà nước Trung Quốc mới đây đã đề ra chủ trương tăng cường kích thích kinh tế bằng nhiều biện pháp từ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển vùng, khuyến khích ngân hàng tăng vốn, …

Tuần trước, Trung Quốc đã công bố cùng lúc 20 văn bản với nội dung thúc đẩy tiêu dùng trong nước để giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng lên tiếng khẳng định chính phủ của đất nước tỉ dân đã sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất lợi về kinh tế.

Tờ Nhân dân Nhật báo viết: "Đã đến lúc chính quyền Mỹ xem xét lại những hành động chống phá Trung Quốc một cách nóng vội của mình. Thay vào đó, hãy nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thương mại, đây sẽ là cách tiếp cận mang lại nhiều thành quả hơn".

Một số quan chức trong chính quyền của ông Trump đang cố gắng giữ cho đàm phán không đổ vỡ vì các thị trường tài chính toàn cầu luôn biến động sát theo từng thông tin tích cực/tiêu cực về cuộc chiến thương mại.

Trong tháng 8, chỉ số S&P 500 giảm 1,8% trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sụt mạnh (đồng nghĩa với giá trái phiếu tăng cao) giữa bối cảnh những bất ổn thương mại gây tổn hại cho doanh nghiệp Mỹ và làm xói mòn lòng tin người tiêu dùng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần vừa qua nói với các phóng viên: "Trung Quốc đang hợp tác, chúng tôi đang làm việc rất tốt. Chúng tôi đang đối thoại với Trung Quốc. Cuộc đàm phán vẫn sẽ được tổ chức trong tháng 9, không có gì thay đổi. Hãy đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng ta không thể để Trung Quốc ăn cướp của nước Mỹ thêm nữa".

Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg.

Ông Cảnh Sảng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2/9 cho biết trong một buổi họp báo: "Vấn đề quan trọng nhất lúc này là tạo ra những điều kiện cần thiết để tiếp tục quá trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung".

 

 

Theo Song Ngọc/ Kinhte&tieudung

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục