Muốn tồn tại, ngân hàng nhỏ cần tính chuyện M&A

(Kinhdoanhnet) – Trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng nhỏ phải từng bước củng cố nội lực, bắt tay hợp tác để nâng cao sức cạnh tranh, mới có thể đứng vững trước khó khăn hiện nay.

Với mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc và sàng lọc hệ thống, giảm số lượng ngân hàng đến cuối năm 2016-2017 xuống còn 20 ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, hiện các nhà băng đang phải chạy tìm kiếm đối tác phù hợp để thực hiện M&A nhất là với các ngân hàng nhỏ.

Bởi nếu không tính tới chuyện sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng nhỏ sẽ rất khó có thể tồn tại nhất là trong bối cảnh hiện nay khi các ngân hàng ngoại đang ồ ạt nhảy vào thị trường Việt Nam.

Muốn tồn tại, ngân hàng nhỏ cần tính chuyện M&A
Muốn tồn tại, ngân hàng nhỏ cần tính chuyện M&A

Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã cho phép 7 nhà băng ngoại được phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra còn có rất nhiều các ngân hàng nước ngoài khác đã tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Việc các ông lớn ngân hàng ngoại tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam sẽ giúp gia tăng được nguồn vốn ngoại tuy nhiên đây lại là một thách thức không hề nhỏ với các ngân hàng nội trên chính sân nhà. Để không bị thất thế trên sân nhà buộc các ngân hàng trong nước cần phải thực sự lớn mạnh hơn nữa, tăng sức cạnh tranh với các “ông lớn” nước ngoài. Chính vì thế trong thời gian qua làn sóng M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, điều này càng làm gia tăng áp lực M&A với nhà băng quy mô nhỏ.

Thực tế thị trường đang đòi hỏi các ngân hàng nhỏ phải từng bước củng cố nội lực, bắt tay hợp tác để nâng cao sức cạnh tranh, mới có thể đứng vững trước khó khăn hiện nay.

Trên thị trường hiện đang có khoảng chục ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 - 3.500 tỷ đồng. Trong đó, một số nhà băng đang nỗ lực tăng vốn, như Nam A Bank, VietA Bank… tuy nhiên để có thể tăng vốn thành công không phải là một điều dễ dàng. Vì thế, M&A vẫn là giải pháp được các nhà băng tính đến, nếu tìm kiếm đối tác phù hợp để có thể đi đến "kết hôn".

Theo các chuyên gia nhận định, xu hướng ngân hàng nhỏ muốn sáp nhập với một ngân hàng khác để lớn hơn đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ không có chiến lược kinh doanh khác biệt.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng cho rằng với những chiến lược kinh doanh đã quá “quen thuộc” như “ngân hàng bán lẻ có chiến lược cạnh tranh cao”, “ngân hàng bán lẻ hàng đầu”…thì các ngân hàng nhỏ khó có khả năng cạnh tranh được với ngân hàng có quy mô lớn.

“Chiến lược này sẽ không thể tạo ra lợi thế cho các ngân hàng nhỏ, bởi các ngân hàng lớn mới thật sự là những nhà giàu dẫn dắt cuộc chơi. Các ngân hàng nhỏ nếu muốn tồn tại chỉ có thể tìm thị trường ngách hoặc sự khác biệt, hoặc là sáp nhập để lớn mạnh” - ông Hiếu phân tích.

Đồng quan điểm trên TS. Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng việc các ngân hàng nhỏ tăng cường tìm kiếm đối tác để sáp nhập là hoàn toàn cần thiết bởi hầu hết những nhà băng này thường không có đặc thù riêng, do vậy nếu như chỉ hoạt động với quy mô hiện tại thì sẽ rất khó cạnh tranh và đương nhiên nguy cơ bị loại khỏi “cuộc chơi” này là rất cao.

Minh anh (TH theo bizlive; Baodautu.vn)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục