Muôn kiểu "dụ" khách hàng mua bất động sản
Điệp khúc “mở bán căn hộ cuối cùng”
Thực tế, trên thị trường bất động sản thời gian vừa qua, có khá nhiều dự án đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng số lượng trống vẫn còn tương đối lớn, mặc dù được quảng cáo rầm rộ và liên tục đưa ra chương trình khuyến mại. Theo một nhân viên môi giới ở quận Hà Đông (Hà Nội), hiện tượng người mua nhà bán cắt lỗ đã giảm song nhưng tình hình thanh khoản không mấy tích cực. Bởi, với mức giá như chủ đầu tư cũng như thứ cấp chào bán hiện nay khó có thể cạnh tranh được với các dự án khác.
Hiện nhiều dự án vẫn tiếp tục chào bán như Mulberry Lane, Thăng Long Number 1, Ho Guom Plaza,... Chủ đầu tư dự án Viglacera cho biết, hiện dự án Thang Long Number One còn vài chục căn.
Không chỉ mở bán căn hộ, có chủ đầu tư còn liên tục quảng cáo “mở bán những căn hộ cuối cùng” hay “mở bán đợt cuối”. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1-2 tháng, điệp khúc "mở bán những căn hộ cuối cùng" lại được chủ đầu tư lặp lại. Ngoài việc tăng cường quảng cáo, các chủ đầu tư cũng mạnh tay trong việc xây dựng hình ảnh, nâng cao chất lượng dự án để thu hút người mua nhà.
Loạn chiêu bán gấp, cắt lỗ
Lần theo những thông tin rao bán căn hộ trên internet, rất nhiều lời rao bán gấp, cắt lỗ được đưa ra. Tuy nhiên, khi xác minh thông tin thì có trường hợp lỗ thật, nhưng có nhiều trường hợp hoàn toàn không lỗ, mà chỉ là chiêu thức của môi giới rao bán lỗ để câu khách lấy database (danh sách) khách hàng.
Để thu hút người mua nhà, nhiều môi giới nhà đất cố tình mập mờ trong việc niêm yết giá căn hộ như rao giá chưa thuế, chưa phí bảo trì 2%, bàn giao thô,... nhằm hạ thấp mức giá. Không chỉ vậy, dân môi giới còn thêm vào những lời quảng cáo hấp dẫn như “bán giá gốc, suất ngoại giao”. Từ 1 năm trở lại đây, hiện tượng “tiền chênh” xuất hiện tại hàng loạt dự án căn hộ khiến cho người mua nhà không biết được đâu là giá thực của căn hộ.
Không chỉ mập mờ giá bán, không ít môi giới còn thay chủ đầu tư đưa ra mức giá căn hộ. Đơn cử như dự án Tràng An Complex (Cầu Giấy, Hà Nội), hồi cuối năm 2014 dù chủ đầu tư chưa làm lễ khởi công dự án, chưa mở bán và chưa có giá bán… nhưng nhiều trang website đã rao bán các căn hộ dự án Tràng An Complex với giá thấp hơn nhiều so với dự kiến của chủ đầu tư. Thậm chí, có website còn công bố giá bán căn hộ tại dự án này ở mức từ 19,5 triệu đồng/m2 và còn công bố số điện thoại hotline để liên hệ và xem căn hộ mẫu.
Tuyệt chiêu tăng giá chống ế
Hiện nay, thị trường đang chứng kiến thêm một chiêu thức lạ của các doanh nghiệp BĐS tại Hà Nội, tăng giá cao dần trong các đợt mở bán dự án chung cư. Nếu như nguồn cung khan hiếm thì mới có chuyện tăng giá, thế nhưng trên thị trường bất động sản hiện nay lại đang rơi vào một nghịch lý, đó là nguồn cung "dư dả" nhưng giá vẫn cứ tăng.
Với chiêu thức tăng giá này, lần mở bán đầu tiên bao giờ cũng là lần mở bán “rắc thính” để “hút” khách hàng bằng số lượng căn hộ ít ỏi và mức giá khá hấp dẫn. Các lần mở bán sau sẽ có mức giá tăng dần so với những lần mở bán trước khiến khách hàng đang có ý định mua sẽ thấy sốt ruột và nghĩ rằng dự án rất hấp dẫn người mua nên mới tăng giá.
Có thể kể đến một số dự án dùng chiêu thức này như chung cư CT2B Nghĩa Đô (Cầu Giấy) đã điều chỉnh tăng giá hơn 3 – 4 triệu đồng/m2 lên mức 25 triệu đồng/m2. Dự án Home City Trung Kính (Cầu Giấy) cũng đã tăng 2 – 3 triệu đồng/m2 so với cuối năm 2014 lên mức 26 – 29 triệu đồng/m2. Một dự án khác cũng được chủ đầu tư công bố mức tăng giá từ 500.000 đồng/m2 đến 1 triệu đồng/m2 sau khi mở bán đợt 1 là Helios Tower ở Tam Trinh (Hoàng Mai).
Theo đánh giá của một số chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn, việc xoay sở, vận động nghĩ ra các chiêu thức để tăng sức cầu thể hiện sự năng động của nhiều doanh nghiệp BĐS, nhưng trước tiên chủ đầu tư cần phải chứng tỏ năng lực của mình bằng tiến độ và chất lượng dự án. Chủ đầu tư cần phải dựa vào khả năng và thực lực của chính bản thân mình chứ không phải làm cho hay, cho có nhưng không đúng với thực tế nhiều khi còn phản tác dụng.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến 20/3/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 70.703 tỷ đồng, giảm 57.845 tỷ đồng (giảm 45%) so với quý I/2013. Tính đến 20/3/2015 tổng số tồn kho bất động sản tại Hà Nội khoảng 9.006 tỷ đồng, giảm 8.054 tỷ đồng (giảm 47%) so với quý I/2013. Hơn nữa, theo dự báo của CBRE VN, thời gian tới có rất nhiều nguồn cung, khi đó sẽ có nhiều sự cạnh tranh trên thị trường nên các chủ đầu tư sẽ khó có thể tăng giá đồng loạt.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo InfoNet, Vietnamnet)