Tăng trưởng tín dụng ì ạch
Đến 23/5, tín dụng chỉ tăng 1,31% so với đầu năm, khá thấp so với mục tiêu cả năm khoảng 12 -14% và bằng nửa tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu trên vừa được Ngân hàng Nhà nước cho biết tại cuộc họp báo chiều 28/5. Vốn huy động của toàn hệ thống vẫn tăng 4,2%. Như vậy, tín dụng đã tiếp tục tăng so với những tháng liên tiếp giảm đầu năm, nhưng lại chưa bằng một nửa so với kết quả của cùng kỳ năm 2013. Đến hết tháng 5 năm ngoái, tín dụng toàn hệ thống đã tăng trưởng 2,98%.
Đáng chú ý, thanh khoản của tổ chức tín dụng tiếp tục bảo đảm, dự phòng chi trả tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân.
Trong hai tháng 4, 5, Thủ tướng liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cân nhắc phương án tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ trong tháng 5, lãi suất cho vay VND giảm nhẹ 0,5% một năm.
Trao đổi với báo giới, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ giải thích cho rằng: “Hiện mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh. Lãi suất không phải là yếu tố làm cản trở tăng trưởng tín dụng nữa. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có vay được vốn ngân hàng hay không còn phụ thuộc vào bản thân doanh nghiệp đó. Nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định về cấp tín dụng, chắc chắn doanh nghiệp sẽ tiếp cận được và vay vốn được từ ngân hàng. Đối với nhóm doanh nghiệp này, các ngân hàng còn cạnh tranh nhau để cho vay vốn”.
"Tuy tăng thấp nhưng quy luật mọi năm vẫn vậy, đầu năm tín dụng thường tăng thấp so với các tháng cuối", bà Hồng chia sẻ. Theo bà, để thúc đẩy tín dụng, các Bộ, ban ngành cần có giải pháp đồng bộ hỗ trợ như bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Các tổ chức tín dụng cũng cần tích cực đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo...
Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cần đánh giá lại tình hình sản xuất kinh doanh, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, khắc phục khó khăn, qua đó chứng minh với các tổ chức tín dụng việc quản trị tốt dòng tiền, có khả năng trả nợ, cũng như có hướng khắc phục khó khăn trong thời gian tới.
Mặc dù mức tăng tín dụng còn thấp, nhưng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu 12-14% trong cả năm 2014.
Lãi suất có thể giảm tiếp
Chiều 28/5, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Ngân hàng Nhà nước, bà Hồng cho biết tính đến ngày 23/5 tổng phương tiện thanh toán tăng 5,28%, huy động vốn tăng 4,2%, tín dụng toàn hệ thống tăng 1,31% so với cuối năm 2013.
Việc điều hành chính sách tiền tệ và lãi suất phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát. Nếu lạm phát ở mức thấp như hiện nay và đạt mục tiêu cả năm 6-7%, các tổ chức tín dụng sẽ có thể hạ lãi suất cho vay thêm 1-2% nữa.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ, hiện tương đương với mặt bằng lãi suất cuối năm 2013. Trong tháng 5, mặt bằng lãi suất huy động VND ổn định, lãi suất cho vay VND tiếp tục giảm nhẹ 0,5%/năm. Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND đã giảm 0,5 - 1,5%/năm so với cuối năm 2013, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm so với cuối năm 2013.
Theo khẳng định của bà Hồng, trước diễn biến tình hình trên biển Đông những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát tình hình thị trường, điều hành thị trưởng mở và sẵn sàng hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng có nhu cầu hỗ trợ thanh khoản.
Nguồn tin từ đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, thị trường ngoại tệ có xu hướng dư cung và nhu cầu mua - bán ngoại tệ của khách hàng được đáp ứng đầy đủ. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, tạo nguồn can thiệp khi cần thiết.
Tín dụng tăng chậm nên ngân hàng dư thừa vốn, và đó cũng là điều kiện để ngân hàng hạ lãi suất huy động. Khi lãi suất giảm thấm vào cơ cấu huy động của ngân hàng thì ngân hàng lại có điều kiện để hạ lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng. Việc điều chỉnh lãi suất là cơ hội để các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo hướng tăng tỷ trọng kỳ hạn dài để sẵn sàng mở rộng cho vay trung, dài hạn. Đây chính là thời điểm các ngân hàng phải cạnh tranh nhau cho vay vốn.
Thế Anh (Tổng hợp)