Mua – bán bằng lái xe giả: Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh

Không khó để có thể kiếm một địa chỉ để mua bằng lái xe trên mạng, chỉ cần gõ từ khóa và… cả một loạt các trang web nhanh chóng hiện ra với đủ các lời mời hấp dẫn. Thậm chí các trang này còn công khai thể hiện rõ “làm bằng lái xe giả”.

 

Quảng cáo mua bán bằng lái xe giả một cách công khai
Quảng cáo mua bán bằng lái xe giả một cách công khai
 

Công khai mua – bán bằng giả

Truy cập nhanh vào trang web https://lambangnhanh.vn/ theo kết quả tìm kiếm trên google, ngay bài viết với tiêu đề “Làm bằng lái xe giả, bằng lái xe ô tô, xe máy giả” trang web này còn giải thích rõ ràng: “Làm bằng lái xe là dịch vụ làm bằng dựa theo các loại bằng lái xe thật và sử dụng công nghệ làm bằng lái xe giả. Có đầy đủ thông tin và được áp dụng công nghệ làm bằng lái xe giả mới nhất để tạo phôi bằng lái xe đúng nhất. Làm bằng lái xe giúp bạn tiết kiệm thời gian. Làm bằng lái xe ô tô, làm bằng lái xe máy mà không cần thi.”

Cũng để trả lời câu hỏi “Có nên mua bằng lái xe không”, các đối tượng trên trang web này cũng thẳng thắn: “Chỉ những người đang cần bằng lái xe mới thật sự hiểu có nên mua bằng lái xe không. Bởi sự tất yếu để có thể thuận lợi cho công việc. Bạn phải đối mặt với CSGT trên đường. Có thể tiết kiệm tài chính của bạn muốn học bằng lái xe ô tô một cách tốt nhất.” Và theo họ, giá bằng lái giả rất rẻ, chỉ bằng 1 phần 10 chi phí đi học, làm và thi bằng lái thật.

Theo đó, các đối tượng này cho biết, giá làm bằng lái B2, C, D, E… chỉ từ 3 triệu, còn xe máy A1, A2 chỉ 2 triệu. Thời gian tối đa 3 ngày để có thể gửi tới tận nhà. Họ còn khẳng định, nếu muốn họ có thể làm được cả bằng lái xe có hồ sơ gốc mà không cần học hay thi với giá rẻ mạt. “Thủ tục thì đơn giản, chỉ cần 2 ảnh 3x4, chứng minh thư hoặc căn cước công dân để lấy thông tin chính xác và địa chỉ nhận bằng.” Ngoài ra, để “phục vụ” tối ưu cho khách hàng, các đối tượng này còn giới thiệu về dịch vụ… thi hộ bằng lái. “Với dịch vụ này bạn có thể hoàn toàn tin tưởng chúng tôi. Bạn chỉ cần ở nhà cung cấp thông tin và nhận bằng khi làm xong” – đối tượng này tư vấn.

Không chỉ giấy phép lái xe (GPLX) ô tô, GPLX xe máy cũng bán hết sức rộn ràng trên các trang mạng xã hội. Giá cả cho mỗi chiếc bằng lái này hết sức đa dạng, có nơi chỉ vài trăm nghìn đồng, nơi thì cả triệu đồng. Vẫn là phương thức quảng cáo qua Fanpage, sau đó dẫn dụ người có nhu cầu liên hệ qua zalo. Người mua cũng chỉ cần gửi ảnh 3x4, chứng minh thư photo 2 mặt và để lại số điện thoại, sau khoảng 2-4 ngày có bằng, được kiểm tra trước khi thanh toán.

Còn về độ tin cậy sử dụng bằng này khi tham gia giao thông thì: “Với giá thế này thì chỉ được phôi thật thôi, còn bằng thì giả. Tức là khi bị CA kiểm tra, không thể phát hiện được, nhưng khi gây ra tai nạn hoặc có vấn đề gì pháp lý, họ kiểm tra thì không có hồ sơ gốc” –một người rao “bán” bằng lái xe giả cho biết.

Chế tài xử phạt còn quá nhẹ

Theo anh N.X.T - GĐ một Cty vận tải trên địa bàn quận Long Biên, sau khi Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới, DN của anh đang rất thiếu lái xe. Do trước đây dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến đời sống của cánh tài xế, nhiều người đã bỏ nghề, phần vì thu nhập không cao, phần vì quá trình tìm việc gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, trước tình trạng có lái xe sử dụng GPLX giả tham gia giao thông cũng gây khó khăn rất nhiều cho DN.

“Bình thường thì chưa nói, nhưng nếu sơ suất có vấn đề gì xảy ra, lại phát hiện ra tài xế sử dụng bằng lái giả thì rất phức tạp. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng, mà còn ảnh hưởng cả về vật chất cũng như uy tín của Cty” – anh T. cho hay.

Phòng Cảnh sát giao thông - CA TP Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng cũng phát hiện khá nhiều trường hợp sử dụng GPLX giả, trong đó phần lớn là GPLX hạng A1 và những trường hợp này sẽ bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Thực tế thấy rằng, bằng nghiệp vụ, kinh nghiệm, lực lượng CSGT không khó để phát hiện ra đâu là GPLX giả mặc dù chúng được làm bằng kỹ thuật sao chụp chữ ký, dấu tròn khá tinh vi. Tuy nhiên vẫn không ít người chỉ để đối phó với lực lượng CSGT vẫn không ngại ngần sử dụng những tấm bằng giả.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, các cơ quan có thẩm quyền cấp GPLX bao gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải tại các địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, do tâm lý chủ quan, e ngại việc thi cử, nhiều người dân chọn mua GPLX giả qua mạng thay vì thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. “Việc làm giả và sử dụng bằng lái xe giả đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm” – luật sư Hùng cho biết.

“Cần lưu ý rằng, đối với người có hành vi bán GPLX giả qua hình thức trực tiếp hoặc trung gian cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tương tự như hành vi làm giả bằng lái xe hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với vai trò là đồng phạm giúp sức”-lời luật sư Hùng.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người có hành vi sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền căn cứ vào loại phương tiện mà họ điều khiển. Trong đó, đối với xe mô tô, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 4.000.000 đồng (tùy từng loại xe). Còn đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô khác sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện sử dụng GPLX giả còn bị tịch thu GPLX giả theo quy định tại khoản 9 Điều 21 Nghị định trên. Việc làm giả hoặc sử dụng bằng lái xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm và bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để ngăn chặn hành vi trên, trước hết, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức cho người dân trong việc học và thi bằng lái một cách nghiêm túc, thực sự. Bởi khi ngồi sau tay lái, hoặc ôm vô lăng giữ an toàn không chỉ cho bản thân mình. Thực tế có rất nhiều vụ đáng tiếc xảy ra khi không nắm rõ luật, hoặc không chú trọng khi học lái xe… “Không chỉ bằng giả, mà kể cả những chiêu trò “thi hộ“ hoặc “chống trượt” ở các trường thi cũng phải xử lý triệt để” – luật sư Hùng quan điểm.

Và theo ông, để xử lý vấn đề này, cần xem xét nâng mức xử phạt vi phạm hành chính lên để đảm bảo đủ tính răn đe với những người vi phạm và có ý định vi phạm; nếu có dấu hiệu của tội phạm, cần điều tra, truy tố và xét xử nghiêm khắc, góp phần làm tăng tính nghiêm minh của pháp luật nói chung cũng như tăng hiệu quả quản lý hành chính trong lĩnh vực cấp GPLX.

Minh Dương

Pháp Luật và Xã hội
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục