Số liệu vừa được công bố cho thấy, tăng trưởng GDP quý 3 của nền kinh tế Việt Nam đạt mức cao: tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mưc tăng 6,73% trong quý 2. Đây là một kết quả nằm ngoài sự mong đợi và là điều bất ngờ.
Nỗi lo tăng trưởng giảm dần tạm thời đã được loại trừ sau khi số liệu tăng trưởng GDP quý 3 được công bố. Trước đó, thị trường đã thực sư lo lắng về đà tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại khi mà ngành công nghiệp bệ đỡ của nền kinh tế - công nghiệp chế biến chế tạo gặp một cú sốc đến từ lĩnh vực công nghiệp điện tử.
Sự giảm sút sản lượng điện thoại của ông lớn Samsung (với giá trị xuất khẩu lên tới 20% GDP) trong quý 2 năm 2018 đã khiến các dự báo khi đó về tăng trưởng kinh tế đều rất thận trọng.
Tăng trưởng GDP quý 3 2018 cao.
Ngành sản xuất điện thoại và công nghiệp điện tự có ảnh hưởng trọng yếu đến kinh tế Việt Nam. Đây là mảng quan trọng trong lĩnh vực chế biến chế tạo, vốn có tỷ trong lớn nhất trong cơ cấu GDP Việt Nam (khoảng 18,8%) và thường có mức tăng trưởng cao trên 10% nên đã luôn là động lực thúc đầy tăng trưởng chung
Theo một báo cáo của SSI Research, mức tăng trưởng mạnh của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (+8,61%) cùng với những chính sách đúng đắn và may mắn đã giúp tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý 3 không sụt giảm mạnh theo đà sụt giảm của điện thoại như đã xảy ra trong quý 2.
Trước đó, trong quý 1 năm 2017 và quý 2 năm 2018, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cùng gặp một khó khăn, đó là sự giảm sút của công nghiệp điện tử mà nguyên nhân chính là sản lượng điện thoại của Samsung.
Sau sự cố Galaxy Note 7 vào cuối năm 2016, thành công của Galaxy S8 và Note 8 đã mang lại kết quả rất tích cực cho nửa cuối năm 2017. Tuy vậy ngay cả khi Galaxy S9 đã ra đời, sản xuất điện thoại trong năm 2018 vẫn giảm sút do Samsung thay đổi kế hoạch sản xuất.
Đây là một thay đổi tương đối bất ngờ và tạo ra rủi ro lớn cho kinh tế Việt Nam nếu không có được những động lực tăng trưởng mới.
Ở tình thế khó khăn đó, chính sách đúng đắn và cả may mắn đã giúp tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý 3 không sụt giảm mạnh theo đà sụt giảm của điện thoại như đã xảy ra trong quý 2.
Về chính sách, hàng loạt các quy định có tính bảo hộ với ngành sản xuất ô tô và dược phẩm đã phát huy tác dụng. Ngành sản xuất xe có động cơ liên tục có cải thiện, sau 9 tháng đã vươn lên +16,3%, cao nhất 21 tháng. Tương tự, dược đạt mức tăng trưởng +25,9%, cao nhất nhiều năm.
Nhiều ngành tăng trưởng mạnh.
Về cơ may, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và việc Trung Quốc giảm sản lượng các ngành công nghiệp ô nhiễm (thép) hay nhân công giá rẻ (dệt may) đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa Việt nam. Xuất khẩu dệt may 9 tháng tăng tới +17,1%, cao nhất kể từ năm 2015 còn sắt thép tăng 51,5%, duy trì phong độ cao có được từ năm 2017.
Ngoài ra, phải kể đến là việc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động. Mặc dù nhập khẩu nguyên liệu và không xuất khẩu, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn có đóng góp kịp thời và đáng kể cho ngành công nghiệp nói chung khi tạo ra tăng trưởng tới 53,1% cho ngành sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế.
Ngay cả khi điện thoại không còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng, dấu ấn của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước (FDI) vẫn còn rất đậm trong sản xuất công nghiệp, từ lọc hóa dầu Nghi Sơn đến thép Formosa.
Dẫu vậy, dấu ấn của doanh nghiệp Việt nam đang dần rõ nét hơn. Thaco từ chỗ chiếm 36,8% thị phần ô tô 8 tháng 2017 đã vươn lên 39,5% trong 8 tháng năm 2018. Với tốc độ đầu tư và hiệu quả sản xuất cao, kỳ vọng khối tư nhân trong nước sẽ tăng tỷ trọng và ảnh hưởng, cân bằng lại vị thế của khối FDI trong cơ cấu kinh tế chung.
FDI vẫn có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Cho tới thời điểm này, theo SSI, lo ngại tăng trưởng giảm dần đều gần như đã được loại trừ nhờ kết quả của quý 3 đã tích cực hơn. Tuy vậy, những thách thức với các cân đối vĩ mô đang gia tăng. Làn sóng bảo hộ và chiến tranh thương mại đã có những tác động rõ rệt hơn đến hoạt động sản xuất theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực trong khi thị trường tài chính, tiền tệ phải chịu sức ép nhiều hơn từ các yếu tố bên ngoài.
Mục tiêu kiểm soát lạm phát, tỷ giá gặp nhiều thách thức hơn hẳn các năm trước. Bù lại, tài khóa ổn định giúp tỷ lệ thâm hụt xuống mức thấp nhất 7 năm.
Thực thi chính sách tiền tệ thận trọng, kết hợp khơi thông nguồn vốn ngân sách để thúc đẩy sức cầu nội địa trong bối cảnh rủi ro bên ngoài ra tăng là cần thiết. Bên cạnh đó Việt Nam cũng hoàn toàn có khả năng để cần tận dụng cơ hội nảy sinh từ các căng thẳng thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút FDI.
Theo M. Hà/VietNamNet