Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit, UPCoM: TIN) – một trong những công ty tài chính hiếm hoi có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với khoản lỗ quý thứ hai liên tiếp.
Cụ thể, VietCredit ghi nhận thu nhập lãi thuần hơn 179 tỷ đồng trong quý III/2024, giảm 34% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ, ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư đều không mang về lợi nhuận dương.
Ngược lại, một số hoạt động khác như thu từ nợ đã xử lý rủi ro, bán nợ, thanh lý tài sản,… lại đem về hơn 83 tỷ đồng lãi thuần, gấp 4,8 lần cùng kỳ.
Thu nhập giảm, VietCredit “cứu vãn” tình hình kinh doanh thông qua việc mạnh tay cắt giảm chi phí. Trong đó, chi phí hoạt động giảm 30% nhờ thực hiện tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy hoạt động.
Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm 14%, nhưng vẫn neo cao ở mức hơn 177 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VietCredit chỉ đạt 141 tỷ đồng.
Kết quả, công ty báo lỗ sau thuế 36,5 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 62,4 tỷ đồng. Đây là quý thứ 2 trong năm 2024 hoạt động kinh doanh của công ty không đem về lợi nhuận, tuy nhiên khoản lỗ đã có phần thu hẹp. Trước đó, trong quý II/2024, VietCredit báo lỗ tới hơn 192 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần của VietCredit giảm 27%, đạt hơn 553 tỷ đồng. Các hoạt động ngoài lãi hoặc là sụt giảm, hoặc là thua lỗ, chỉ có một số hoạt động khác như thu từ nợ đã xử lý rủi ro, bán nợ, thanh lý tài sản,… giúp VietCredit “gỡ gạc” khi đem về gần 168 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ.
Sự sụt giảm trong nguồn thu không thể bù đắp cho các khoản chi phí vẫn còn khá cao, làm VietCredit lỗ mạnh hơn 221 tỷ đồng trong 3 quý liên tiếp. Khoản lỗ này đã đánh bay toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty ghi nhận hồi đầu năm 2024 (hơn 117 tỷ đồng), và thay vào đó là khoản lỗ luỹ kế sau thuế chưa phân phối hơn 107 tỷ đồng.
Theo giải trình, ban lãnh đạo công ty cho biết dù vẫn ghi nhận lợi nhuận âm, nhưng tình hình của VietCredit đã có những dấu hiệu tích cực so với quý trước cũng như cùng kỳ năm 2023. Thu nhập lãi thuần đã tăng 7% so với quý II/2024, dù vẫn chưa quay lại xu hướng tích cực như trước đây.
Ngoài ra, công ty vẫn thực hiện điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cũng như các khoản phí với mục tiêu kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Năm 2024, VietCredit lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế hơn 51 tỷ đồng. Như vậy, để hoàn thành được kế hoạch đã đề ra, công ty tài chính này phải đem về một khoản lợi nhuận khủng trong quý IV. Điều này đã từng xảy ra vào quý IV/2023, khi khoản lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức đỉnh hơn 155 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của VietCredit đạt 4.487 tỷ đồng, giảm 34% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng sụt giảm mạnh ở mức 36%, từ hơn 4.621 tỷ đồng còn hơn 2.936 tỷ đồng. Công ty cho biết sự chênh lệch này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều khách hàng chưa đáp ứng đủ điều kiện; đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân giảm tương ứng.
Trong nhóm nợ xấu, nợ nghi ngờ đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt gần 200 tỷ đồng, theo sau là nợ có khả năng mất vốn (hơn 105 tỷ đồng) và nợ dưới tiêu chuẩn (96,5 tỷ đồng). Tổng nợ xấu của VietCredit tính tới cuối quý III là hơn 402 tỷ đồng, giảm 53% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm từ 18,47% còn 13,69%.
VietCredit đang đầu tư hơn 313 tỷ đồng vào chứng khoán, toàn bộ là chứng khoán nợ và trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Ở bảng nguồn vốn, tổng nợ phải trả của công ty tính tới cuối quý III giảm 39% so với thời điểm đầu năm, đạt hơn 3.629 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là các giấy tờ có giá do VietCredit phát hành, đạt hơn 1.978 tỷ đồng (chứng chỉ tiền gửi, lãi suất 6,5 – 11%). Tiền gửi của khách hàng đạt 469 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.
Vietnamfinance
In bài viết