Theo ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, một khảo sát mới được công bố gần đây bởi công ty nghiên cứu thị trường AMR Group cho thấy những thói quen sử dụng phương tiện giao thông rất đáng chú ý của người dân Việt Nam. Cuộc khảo sát được thực hiện với hai đối tượng sử dụng xe máy chủ yếu là học sinh tuổi từ 14-18 và người đi làm tuổi từ 30-40.
Theo đó, cả hai nhóm đều sử dụng xe máy với tần suất dày, trung bình 6,9 ngày trên 1 tuần (7 ngày). Qua đó, mỗi học sinh sẽ di chuyển trung bình gần 16km mỗi ngày, trong khi người đi làm di chuyển quãng đường xa gần gấp đôi, khoảng 28km.
Con số này đồng nghĩa, mỗi tháng, một học sinh sẽ đi gần 470km, còn người đi làm thì di chuyển hơn 828km. Trung bình, số km di chuyển cả 2 nhóm là 649km/tháng, gần bằng quãng đường từ Hà Nội vào... Huế.
Mỗi năm, người Việt đi xe máy trung bình 7.800 km.
Nếu tính theo năm, tổng quãng đường di chuyển bằng xe máy của một người là gần 7.800km, vượt quá cả hành trình từ Hà Nội đi Sydney (Australia).
Về chi phí đổ xăng, theo khảo sát, trung bình mỗi tuần học sinh tiêu khoảng 67.000 đồng trong khi người đi làm phải rút ví 122.000 đồng. Như vậy, tính ra một năm, chỉ riêng tiền xăng, mỗi học sinh phải chi gần 3,5 triệu đồng. Số tiền của người đi làm dùng để đổ xăng lớn hơn thế rất nhiều, gần 6,4 triệu đồng.
Người đi làm có thói quen bảo dưỡng định kỳ cho xe thường xuyên hơn nhóm học sinh. Trung bình mỗi năm, người đi làm thực hiện hơn 3 lần bảo dưỡng cho chiếc xe máy của mình với tổng số tiền khoảng gần 1.2 triệu đồng. Số tiền bảo dưỡng định kỳ của học sinh khoảng 50% người đi làm, tương ứng gần 580.000 đồng.
Ngoài bảo dưỡng định kỳ, cả học sinh và người đi làm có thói quen bảo dưỡng tổng thể mỗi năm 1 lần. Người đi làm dành ra hơn 900.000 đồng mỗi năm cho việc này, trong khi học sinh cũng mất khoảng 485.000 đồng mỗi năm.
Như vậy, tổng chi phí vận hành một chiếc xe máy, bao gồm chi phí xăng và 2 loại bảo dưỡng trên của một học sinh là xấp xỉ 4,5 triệu đồng, còn của người đi làm là gần 8,5 triệu đồng.
Những con số này đáng chú ý bởi xe máy hiện vẫn là phương tiện di chuyển chính của người dân Việt Nam. Trong số 55 triệu xe gắn máy đang lưu thông, Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố có số lượng xe nhiều nhất cả nước. Đây cũng là hai địa chỉ liên tiếp chiếm ngôi đầu trong top những thành phố ô nhiễm của thế giới.
Rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra, xe máy là nguồn phát thải lớn nhất với hơn 90% phát thải CO từ hoạt động giao thông đường bộ. Ngoài ra, quá trình đốt nhiên liệu của xe máy còn phát thải ra một loạt chất độc như NOx, SO2, chì, các kim loại nặng,... Đây chính là những kẻ giết người gây các bệnh như nhiễm trùng hô hấp, hen suyễn, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim cấp và cao huyết áp...
Theo VTCNEWS