Tránh xa nồi nhôm tái chế
Nồi nhôm tái chế có thể gây ra tổn hại cho hệ thần kinh như: mất ngủ, căng thẳng, giảm trí nhớ…
Theo cảm quan bên ngoài thì nồi nhôm tái chế có lẫn nhiều tạp chất nên bề mặt thường có nhiều vết màu xám đen, không bóng. Khi dùng một thời gian ngắn nếu là nhôm tái chế thì sẽ oxy hóa nên bị xỉn, rỗ mặt, có hiện tượng ăn mòn, độ bền không cao. Bản thân axit nhôm có tính trơ không gây hại cho sức khỏe, nhưng nếu nó tác dụng với một số chất như muối, thì sẽ gây hại cho sức khỏe.
Việc lưu trữ thức ăn trong nồi nhôm kém chất lượng sẽ rất độc hại vì các hóa chất, tạp chất bẩn sẽ hòa tan vào thức ăn. Đặc biệt, các thức ăn mặn, chua sẽ khiến cho quá trình ăn mòn kim loại càng xảy ra nhanh hơn, khiến cho bề mặt nhôm dễ chuyển màu và bị rỗ nhanh chóng.
Sau một thời gian phơi nhiễm, lượng nhôm tích tụ trong các mô cơ thể có thể gây ra tổn hại cho hệ thần kinh như: mất ngủ, căng thẳng, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa của con người, ngăn cản sự phát triển của xương và làm giảm mật độ xương, gây thiếu máu, giảm chức năng gan.... Vì vậy, tránh xa các loại nồi chảo nhôm tái chế là cách đơn giản để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
Chọn những thương hiệu uy tín
Người mua nên chọn lựa sản phẩm của những thương hiệu uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm
Nhôm và hợp kim nhôm có đặc tính là liên kết mạnh, bền vững, vượt trội hơn các kim loại khác ở tính dẫn nhiệt - truyền nhiệt nhanh và đều. Vì vậy, các bà nội trợ rất yêu thích loại dụng cụ đun nấu bằng kim loại này để thức ăn chín nhanh, giữ được hương vị đặc trưng của từng loại thức ăn. Tuy nhiên, kim loại nhôm không phải lúc nào cũng như nhau. Do đó, người mua cần chọn lựa sản phẩm của những thương hiệu uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Lưu ý khi sử dụng
Nồi chảo bằng nhôm thường được bọc một lớp bảo vệ xung quanh, giúp nhôm không phản ứng với các chất khác, tránh được nguy cơ ngộ độc nhôm. Chính vì thế, bạn không nên dùng miếng bùi nhùi quá sắc để cọ rửa đồ, vì có thể làm mất lớp bảo vệ này.
Với những ấm nhôm nấu nước lâu ngày bị tích một lớp cặn dưới đáy, bạn có thể khử cặn bằng cách cho vào ấm một muỗng soda, sau đó đổ thêm nước vào, nấu trên bếp cho nóng là khử được lớp cặn. Nồi nhôm sử dụng lâu ngày cũng có thể bị xỉn màu nên hãy dùng một ít vỏ táo và axít loãng cho vào nồi nhôm rồi đun sôi; xả lại bằng nước lạnh rồi rửa với nước rửa chén cho đến khi sạch.
Không nên để vật dụng bằng nhôm trên bếp quá lâu mà không có nước hoặc thức ăn bên trong. Sau khi nấu ăn xong, chảo nồi còn nóng, người dùng không nên ngâm vào nước lạnh ngay mà hãy để nó nguội bớt.
Dung Nguyễn (Theo VietQ, PNVN)