(Ảnh minh họa)
Theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2/2025, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lí, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho biết, hoạt động dạy thêm thực chất là hoạt động kinh doanh và phải nộp thuế.
Theo ông Được, nếu đăng ký thành lập hộ kinh doanh, thầy giáo, cô giáo sẽ xin giấy phép từ UBND quận, huyện nơi đặt địa điểm của hộ kinh doanh. Còn nếu thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp thì giáo viên sẽ đăng ký thành lập công ty và giấy phép này được cấp phép bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư trừ trường hợp thuộc đối tượng không được góp vốn, thành lập, quản lý doanh nghiệp theo quy định.
Với việc đăng ký hộ kinh doanh, ông Được cho hay, chủ hộ kinh doanh sẽ phải lên cơ quan thuế đăng ký nộp và kê khai thuế với những địa phương chưa có sự liên thông, trường hợp còn lại phải thực hiện khai thuế, nộp thuế. “Hộ kinh doanh thực hiện nộp thuế theo hình thức thuế khoán là thuận tiện nhất”, ông Được nói.
Theo quy định hiện nay, căn cứ tính thuế đối với hộ nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Doanh thu tính thuế là doanh thu bao gồm tiền thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. Theo đó doanh thu dạy thêm là toàn bộ học phí các khoản thu khác có liên quan…
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế VAT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế VAT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Từ 1/1/2026, ngưỡng chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh là 200 triệu đồng trở lên.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc trường hợp phải nộp thuế VAT và thuế TNCN tính theo công thức sau:
Thuế VAT phải nộp = Doanh thu tính thuế VAT x Tỷ lệ thuế VAT.
Thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Trọng Tín, hoạt động dạy thêm, học thêm đủ điều kiện theo quy định của Luật Giáo dục thì không phải chịu thuế VAT nhưng hộ kinh doanh dạy thêm sẽ phải chịu thuế TNCN. Tỷ lệ thuế TNCN với nhóm ngành giáo dục tính là 2%.
Đối với thuế môn bài, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không phải khai lệ phí môn bài do được cơ quan thuế thông báo thuế khoán.
Trong trường hợp, giáo viên không trực tiếp mở hộ kinh doanh, doanh nghiệp để tổ chức dạy thêm mà tham gia hoạt động dạy thêm thông qua tổ chức khác để nhận tiền công, tiền lương, ông Được cho biết trường hợp trên đóng thuế TNCN từ tiền lương tiền công và phải cộng vào tổng thu nhập của giáo viên tại các trường và thực hiện quyết toán thuế TNCN cuối năm theo quy định.