Theo như bản danh sách 100 công ty có tốc độ tăng trưởng sáng tạo nhanh nhất thế giới do Tạp chí Forbes vừa công bố, một doanh nghiệp của Việt Nam đã có mặt trong danh sách này.
Cụ thể doanh nghiệp này là CTCP Tập đoàn Masan, trong bản danh sách này Masan đứng thứ 20/100 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng sáng tạo nhanh nhất thế giới. Đây cũng là công ty duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách này.
Theo định giá của Forbes, Masan có giá trị khoảng 2,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng trung bình trong 5 năm qua khoảng 27,5%; và mặc dù tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình trong 5 năm gần đây -4,8% nhưng lại có tốc độ đổi mới đạt tới 67,1% và xếp thứ 20 thế giới về tốc độ đổi mới, sáng tạo.
Masan Group lọt top 20 công ty sáng tạo nhất thế giới.
Với việc đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng, Masan Group đang có tốc độ tăng trưởng sáng tạo cao hơn rất nhiều các tập đoàn đa quốc gia khác đang có mặt ở Việt Nam như Procter & Gamble Hygiene & Health Care, Coca-Cola Icecek, Colgate-Palmolive...
Mới đây ông lớn này đã gây bất ngờ cho dư luận khi tiến hành mua 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim (“Công ty”).
Với việc sở hữu công ty này, Masan cũng chính thức sở hữu 52% cổ phần của Công ty Cổ phần Việt – Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (“Proconco”) và 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (“Anco”). Điều đặc biệt ở đây đó là vào cuối năm 2014, Masan Group đã thực hiện bán toàn bộ 40% cổ phần khỏi Masan Agri, đồng thời kể từ năm 2015 Masan Group không còn nắm giữ lợi ích tại Masan Agri cũng như Proconco. Nhưng sau đó lại bất ngờ quay lại sở hữu Proconco với tỷ lệ lớn hơn trước đây, giữ tỷ lệ chi phối (52%).
Sở hữu trong tay Proconco và Anco, Masan Group đã có trong tay 1 nền tảng lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi. Mục tiêu của ông lớn này đó là đến năm 2020 sẽ nắm giữ được 50% thị phần thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Kết thúc quý I/2015, doanh thu của Masan đạt mức 3.584 tỷ đồng, tăng 31,8% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng tài nguyên mang lại 813 tỷ đồng, còn lĩnh vực hàng tiêu dùng đóng góp tới 2.772 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần ở mức 57 tỷ đồng, vượt hơn 2 lần quý I/2014. Tuy nhiên nếu như loại bỏ những tác động từ các khoản phân bổ lợi thế thương mại, tài sản hữu hình và tài sản vô hình phát sinh từ các thương vụ M&A, đồng thời loại bỏ sự đóng góp từ các công ty đã bán trước kỳ báo cáo này thì lợi nhuận thuần của Masan Group lại chỉ đạt khoảng 157 tỷ đồng, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Minh Anh (TH theo Bizlive; Vnexpress; NDH)