Mạo danh ngân hàng cho vay nặng lãi

Không khó khăn để có thể nhìn thấy các tờ quảng cáo in nổi bật số điện thoại được dán, treo khắp nơi với những lời mời gọi vay vốn từ ngân hàng hấp dẫn nhanh gọn. Bản chất của kiểu vay “ngân hàng” hấp dẫn này ra sao?

Phóng viên đã thử vào vai người đi vay.

Nhanh gọn "bất ngờ"

Chúng tôi gọi cho người có tên là Thiên, số điện thoại 09859xxxx. Từ đầu máy bên kia, một giọng nam trầm nói rất hào hứng, tận tình: "Chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ, nhưng nhà anh ở đâu? Anh làm ở công ty nào?"... Khi nhận được thông tin tôi làm ở một công ty nhà nước, có hộ khẩu Hà Nội, Thiên nhanh nhảu cho biết: Anh thuộc mục cho vay với lãi suất 1,66%/tháng. Khi tôi tỏ vẻ e ngại tại sao lãi suất thấp như vậy thì được Thiên lý giải: “Vì anh có việc làm ổn định, có hộ khẩu Hà Nội”. Tiếp sau đó, Thiên yêu cầu tôi chụp chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu, hợp đồng lao động, bản xác nhận lương hằng tháng… và gửi qua mail cho “ngân hàng” thẩm định trước. Khi tôi tỏ ý băn khoăn không muốn để cơ quan biết việc đi vay tiền bên ngoài, không muốn xin chữ ký, đóng dấu của lãnh đạo công ty và muốn “ngân hàng” giúp… thì Thiên bày cho cách: Phô-tô hóa đơn tiền điện, nước hằng tháng, hộ khẩu, CMND thì “anh vẫn có thể vay của “ngân hàng” em với khoản tiền lên tới 40 triệu đồng”...

Tờ quảng cáo được treo gần cổng Trường Mầm non Ngọc Thụy (quận Long Biên, TP Hà Nội).
Tờ quảng cáo được treo gần cổng Trường Mầm non Ngọc Thụy (quận Long Biên, TP Hà Nội).

Cũng từ một tờ “quảng cáo” được dán ở chợ Ngọc Thụy, quận Long Biên (TP Hà Nội), chúng tôi liên lạc và được một phụ nữ tên Hà hồ hởi hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Khi chúng tôi đặt vấn đề vay “nóng” 40 triệu đồng, Hà yêu cầu tôi mang đến CMND, thẻ ATM, sổ hộ khẩu… để “ngân hàng” duyệt hồ sơ, sau khi duyệt xong, “ngân hàng” sẽ giữ hết giấy tờ gốc. Khi tôi bày tỏ cần những giấy tờ đó để sử dụng hằng ngày thì người tên Hà nói: “Em sẽ viết giấy biên nhận vay tiền để làm thủ tục đi nước ngoài. Anh chỉ cần ký vào giấy viết tay đó và phô-tô các loại giấy tờ là đã hoàn tất thủ tục vay vốn”.

Mọi thủ tục còn dễ dàng hơn khi chúng tôi liên lạc với một số điện thoại được “treo” ở cột đèn tín hiệu giao thông tại nút giao Phạm Hùng-Trần Duy Hưng (Hà Nội). Một phụ nữ tên Ngân tự xưng làm tại "ngân hàng" Y. cũng chỉ yêu cầu phô-tô CMND, sổ hộ khẩu đầy đủ 16 trang, giấy đăng ký kết hôn, hợp đồng lao động, giấy xác nhận lương, một ảnh 3x4cm… Chỉ cần các giấy tờ như vậy, đúng như tờ quảng cáo: “Không cần đến một ngày, “ngân hàng” đã giải ngân cho khách hàng”.

Lãi suất “cắt cổ”!

Trao đổi với những người trên, chúng tôi thường được nghe họ nói: Hiện tại “ngân hàng của chúng em” có mức lãi suất từ 2.000-3.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày (tương đương từ 72-108%/năm). Nếu vay 50 triệu đồng trong 5 tháng, lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày thì số tiền trả lãi 1 ngày là 150.000 đồng; 1 tháng là 4,5 triệu đồng.

Khi những người có nhu cầu vay tiền muốn được tới “ngân hàng” để ký kết văn bản, giấy tờ vay tiền thì đều nhận được câu trả lời chung chung: “Em đang ở ngoài, để em gọi điện về “ngân hàng” xem có em nào ở đấy không”. Rồi họ vòng vo: “Anh không cần đến “ngân hàng” đâu ạ! Giấy tờ anh cứ scan và gửi vào email cho em. Nếu sếp đồng ý, chúng em sẽ mang tiền đến tận nhà cho anh”.

Với “thủ tục dễ dàng, nhanh gọn”, những người đang cần một khoản tiền “nóng” để giải quyết công việc thường dễ dàng chấp nhận mà không nhận ra rằng cách tính lãi suất kể trên là mức lãi suất cao “cắt cổ”. Chưa kể, sau đó nếu người vay không trả nợ đúng hẹn, để món nợ cùng với lãi suất "cắt cổ" lũy tiến đến mức nào đó thì người vay khó có thể trả, và khi ấy những "ngân hàng" này sẽ xiết nợ bằng mọi cách, kể cả là dùng "xã hội đen".

Để làm rõ thông tin, phóng viên đã làm việc với đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)-một trong những ngân hàng được nêu nhiều trong những lời quảng cáo. Đại diện ngân hàng này cho biết, đã nhận được phản ảnh của người dân về việc phát hiện đối tượng giả danh là nhân viên của Ngân hàng Techcombank tư vấn, cho vay tín chấp, nhưng thực tế là cho vay nặng lãi. Đồng thời vị đại diện Ngân hàng Techcombank cũng lên tiếng khẳng định với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Chúng tôi luôn phản đối và kiên quyết đấu tranh với những hành vi giả mạo, lợi dụng thương hiệu, uy tín của Techcombank để lừa đảo khách hàng. Ngoài trường hợp lừa đảo, mạo danh Techcombank để cho vay nặng lãi, chúng tôi cũng đã từng tiếp nhận và kịp thời xử lý một số trường hợp giả mạo liên quan đến bảo lãnh, chuyển tiền qua điện thoại… Để bảo vệ tài sản khách hàng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng, Techcombank đã triển khai một số giải pháp như:Liên tục cập nhật, truyền thông trên website chính thức của ngân hàng về các trường hợp giả mạo, lừa đảo khách hàng. Bên cạnh đó, Techcombank cũng thường xuyên cập nhật thông tin đến các đơn vị kinh doanh, nhân viên Techcombank về các thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo để thông tin đầy đủ cho khách hàng. Báo cáo, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý khi phát hiện vi phạm...".

Trao đổi với đại diện một số ngân hàng khác, các ngân hàng cũng có chung khuyến cáo với người dân: Khi người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng, hãy đến trụ sở gần nhất của các ngân hàng để có thông tin liên hệ với các chi nhánh và được nhân viên ngân hàng tư vấn đầy đủ chi tiết các sản phẩm, mức lãi suất, lợi ích… Trong trường hợp khách hàng bị lừa đảo hoặc phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy cung cấp thông tin cho cơ quan công an và thông báo cho ngân hàng để được hỗ trợ điều tra làm rõ, bảo vệ tài sản khách hàng. Người dân không nên vì hám lời mà “sập bẫy” những kẻ đội lốt ngân hàng, dễ rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm những kẻ mạo danh ngân hàng để cho vay nặng lãi.

Theo QĐND

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục