Manulife Việt Nam lỗ lũy kế gần 8.000 tỷ đồng

Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife Việt Nam ) là một trong những công ty bảo hiểm có mặt đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Đến nay, Manulife Việt Nam đã có 24 năm hoạt động. Tuy nhiên, các khoản lỗ cứ tăng dần theo thời gian.

Theo thống kê về hoạt động ngành bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2022 do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam công bố, dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Manulife với 4.685 tỷ đồng, Prudential với 4.490 tỷ đồng, Dai-ichi Life Việt Nam với 3.322 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 2.678 tỷ đồng và MB Ageas với 2.197 tỷ đồng...

Liên tiếp dẫn đầu thị trường về thị phần doanh thu phí mới trong suốt thời gian qua, Manulife đang tiến rất gần đến vị trí số 1 về thị phần tổng doanh thu. Thế nhưng, trái ngược với doanh thu, Manulife đã liên tục thua lỗ và gánh lỗ lũy kế lên đến 7.961 tỷ đồng.

Được biết, cùng với Prudential, AIA, Manulife Việt Nam là một trong những công ty bảo hiểm đầu tiên đặt chân tới thị trường Việt Nam. Đến nay, Manulife đã có 24 năm hoạt động. Thế nhưng, các khoản lỗ cứ tăng dần theo thời gian.

Về kết quả kinh doanh, Manulife có doanh thu năm 2021 tăng đáng kể, tăng 4.444 tỷ đồng, tương đương 22,6% so với năm 2020. Nguyên nhân là do Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh, từ 19.667 tỷ đồng lên 27.794 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chi phí tại Manulife cũng đi lên. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 2.094 tỷ đồng lên 2.485 tỷ đồng; Chi phí bán hàng tăng từ 4.829 tỷ đồng lên 5.546 tỷ đồng; Chi phí hoạt động tài chính tăng từ 487 tỷ đồng lên 807 tỷ đồng.

Lợi nhuận của Manulife khá bấp bênh, khi lãi khủng, khi lỗ đậm. Trước đó, Manulife lỗ 1.642 tỷ đồng (năm 2020), lỗ 2.177 tỷ đồng (năm 2018), lỗ 993 tỷ đồng (năm 2017) nhưng lãi 1.014 tỷ đồng (năm 2019), lãi 372 tỷ đồng (năm 2016).

Tính tới ngày 31/12/2021, lỗ lũy kế tại Manulife tăng từ 3.219 tỷ đồng lên 7.961 tỷ đồng sau khi công ty thua lỗ 4.741 tỷ đồng trong nhiều năm qua và ghi nhận mức lỗ cao kỷ lục.

Nếu so sánh với các đối thủ, Manulife Việt Nam có doanh thu lớn hơn nhưng lại lỗ vượt trội, cụ thể:

Năm 2021, trong khi Manulife chứng kiến thua lỗ nặng thì Prudential lại có lợi nhuận tăng. Tại ngày 31/12/2021, lãi lũy kế của Prudential đạt 8.922 tỷ đồng.

Dai-ichi Life Việt Nam có quy mô vốn và doanh thu thấp hơn Manulife. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Dai-ichi Life Việt Nam tại ngày 31/12/2021 lên đến 5.400 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận Lợi nhuận sau thuế tăng đáng kể từ 1.650 tỷ đồng lên 2.003 tỷ đồng, từ đó giúp Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Tập đoàn đạt tới 4.475 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.

Từ số liệu trên cho thấy, trong danh sách các công ty bảo hiểm có doanh thu phí bảo hiểm lớn nhất, Manulife lại là đơn vị thua lỗ và gánh lỗ lũy kế rất lớn.

Về kênh Hợp tác phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance). Kênh này được Manulife Việt Nam thiết lập từ năm 2009.

Theo tìm hiểu, hiện nay, bảo hiểm Manulife Việt Nam hợp tác phân phối bảo hiểm với 3 ngân hàng: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

Bancassurance góp phần không nhỏ giúp doanh thu Manulife bứt tốc trong nhiều năm qua. Năm 2021, Doanh thu phí bảo hiểm của Manulife vượt mốc 1 tỷ USD khi đạt 24.505 tỷ đồng, tăng 9.799 tỷ đồng, tương đương 66,6% so với năm 2016.

Thế nhưng, mảng bancassurance của Manulife đang gặp rất nhiều tai tiếng khi khách hàng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn ( SCB) tố nhân viên của ngân hàng này lừa đảo, biến tiền gửi tiết kiệm của khách hàng thành hợp đồng bảo hiểm. Hiện vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra.

PV

Kinh tế xây dựng
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục