Mảnh đất dân 40 năm bồi đắp , chính quyền thu hồi khẩn cấp

(Kinhdoanhnet) – Gia đình bà Nguyễn Thị Gái đã hơn 40 năm bồi đắp mảnh đất cằn cỗi gần 30m2 cuối hồ thượng Phương Liệt, giờ đây mảnh đất rất thoáng đãng, gọn gàng, vững chãi bên cạnh dãy nhà cao tầng. Thế nhưng chính quyền phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội đã cho thu hồi mảnh đất mà không xem xét đến quyền lợi ích hợp pháp của gia đình bà Nguyễn Thị Gái?.

Công sức 40 năm đổ sông đổ bể

Gia đình bà Nguyễn Thị Gái cùng các con ở tại số 6/31 phố Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội (địa chỉ mới: 29J mặt hồ Phương Liệt), gia đình bà đã sinh sống tại nơi này từ những năm 1972. Nhờ đức tính siêng năng chịu khó cùng với đó là nỗi lo kinh tế cho nhiều miệng ăn trong gia đình, bà Gái cùng chồng và các con đã khai hoang, bồi đắp một mảnh vườn gần 30m2 để trồng rau. Mảnh vườn này nằm ở vị trí cuối hồ thượng Phương Liệt, giáp với tường rào của Công ty Cơ điện Trần Phú.

Vì là đất khai hoang phục hóa, cùng với đó là nhận thức về pháp luật thời kỳ đó chưa cao, gia đình bà Gái chỉ biết chăm cho bữa cơm gia đình được vẹn toàn. Những thông tin đại chúng về quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình đối với mảnh đất khai hoang, bà Gái chưa nắm rõ, bà và gia đình cứ nghĩ rằng suốt bao nhiêu năm qua mảnh đất của mình không có tranh chấp với ai nên cứ để vậy mà canh tác.

Mảnh đất dân 40 năm bồi đắp , chính quyền thu hồi khẩn cấp  - Ảnh 1
Gia đình bà Gái cho biết mảnh đất mặt đường, ven hồ Phương Liệt đã được bồi lấp vun trồng suốt hơn 40 năm qua

Đến khoảng năm 2002 thành phố có quy hoạch cải tạo lại hồ Phương Liệt, mở rộng, làm đường ven hồ thì mảnh vườn của gia đình bà Gái cũng tiếp giáp với mặt đường, và được ví như mảnh đất “vàng”. Nhận thấy vị trí của mảnh vườn rất thuận tiện cho việc mở cổng cho dân làng vào miếu cụ Trạng nên gia đình bà Gái có tâm nguyện sử dụng và quản lý mảnh vườn đến khi nào thành phố có quyết định mở cổng vào miếu thì gia đình sẽ trao lại .

Tuy nhiên đến những ngày giữa hè năm 2016, gia đình bà Gái vô cùng bất ngờ khi chính quyền phường ra quyết định thu hồi đất, không công nhận công sức của gia đình đã vun lấp bồi đấp nên mảnh đất này.

Đâu là lý do khiến mảnh đất rơi vào tranh chấp

Được biết, hộ gia đình bà Gái sử dụng mảnh đất để canh tác lâu dài, và số diện tích đó không tranh chấp với bất kỳ ai trong khu vực. Qua trao đổi với chúng tôi, bà Gái và các con cùng đông đảo bà con trong khu vực đều công nhận khu đất đó là của gia đình bà Gái khai hoang bồi lấp và  đang sử dụng suốt hơn 40 năm qua.

Bà Gái cùng gia đình cho biết, tại thời điểm bị thu hồi, gia đình có xây quây tường rào để bảo vệ vườn phía bên quản lý di tích, sau đó Thanh tra xây dựng phường đã tự vào phá dỡ bức tường trên khi không có thông báo với gia đình.

Bày tỏ trong bức xúc, cả gia đình bà Gái cho biết: “Họ chỉ căn cứ vào ý kiến của ban quản lý di tích, mà không xem xét đến ý kiến xác nhận của bà con hưu trí ở đây lâu năm chứng nhận cho mảnh đất là do gia đình tôi bồi đắp nên”.

Với mong muốn đòi hỏi quyền lợi chính đáng, gia đình bà Gái đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng, đồng thời ngược xuôi bổ sung giấy tờ xác nhận mảnh đất là công sức của gia đình bồi đắp nên, thế nhưng phía cơ quan chức năng vẫn cho rằng gia đình bà không đủ giấy tờ chứng thực mảnh đất và không đưa ra hình thức xử lý hài hòa đảm bảo lợi ích cho người dân.

Nhằm xác minh rõ rằng, liệu gia đình bà Gái có thật sự bị thu hồi đất một cách vô lý hay đang có mờ ám không minh bạch trong công tác thu hồi đất đai nơi đây,  phóng viên đã có cuộc trao đổi với phó Chủ tịch phường Phương Liệt – Ông Vũ Văn Duy.

Ông Duy khẳng định: “Chúng tôi đã đối chiếu trong sổ địa chính của phường, và xác định được mảnh đất đó là đất không, đất nhà nước và không cá nhân nào được phép sử dụng mảnh đất này. Phường đã yêu cầu gia đình bà Gái mang giấy tờ chứng minh đó là đất của họ, nhưng nhà bà Gái chỉ đưa ra được tờ giấy xác nhận đã ở đây từ năm 1972 chứ không phải giấy xác nhận đã khai hoang bồi lấp mảnh đất này từ năm 1972”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Trong thời gian tới, nếu gia đình bà Gái xin được đầy đủ các ý kiến xác nhận của cán bộ tổ trưởng tổ dân phố cũ chứng nhận gia đình đã có công bồi lấp khai hoang mảnh đất này thì phường sẽ có phương hướng xử lý như thế nào?, thì ông Duy cho biết: Giữa chính quyền và người dân đang tranh chấp mảnh đất này, nếu người dân có đầy đủ giấy tờ chứng minh thì chúng tôi sẽ làm theo đúng luật thôi”.

Cũng theo ông Duy cho biết năm 92 – 94 phó Chủ tịch Thành phố đã có quy hoạch làm khuôn viên đất cụ Trạng, nhưng bây giờ quy hoạch đó có còn giá trị này không chưa thể biết được. Chỉ chắc chắn rằng mảnh đất này hiện là đất không, đất hoang, đất công của nhà nước.

Quay lại vấn đề về với gia đình nhà bà Gái, gia đình bà cho rằng vấn đề quyền lợi mà lẽ ra gia đình đáng được hưởng với công sức bỏ ra, thì phía chính quyền địa phương khẳng định rằng số diện tích đó nằm trong diện không được đền bù.

Gia đình bà Gái cho biết từ ngày 25/7 đến nay chính quyền phường và người trong ban di tích đã hai lần vào đo đạc khi không có sự đồng ý của gia đình. Sáng ngày 12/8 cán bộ địa chính đã mang giấy thông báo gửi cho gia đình thông báo về việc giải tỏa phần rào chắn mảnh vườn và thu hồi đất để phường quản lý.

Liệu mảnh đất gần 30m2 ở vị trí mặt đường ven hồ đẹp như vậy, Chính quyền UBND phường Phương Liệt đã có thông báo chính xác và kịp thời tới gia đình bà Gái? Và thực sự những nước mắt, mồ hôi công sức đổ ra trong suốt mấy chục năm của gia đình bà Gái có được đền bù xứng đáng? Dư luận hoài nghi rằng, có hay không sự mờ ám, không minh bạch trong công tác quy hoạch và thu hồi đất của phường Phương Liệt. Mong cơ quan chức năng và chính quyền giải quyết kịp thời, chính xác đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người dân.

Nhà nước luôn khuyến khích người dân khai hoang vỡ hóa để lấy đất sản xuất. Điều này đã được quy định có hệ thống trong Luật Đất đai. Cụ thể, tại Điều 2 Luật Đất đai năm 1987, Điều 5 Luật Đất đai năm 1993 và Điều 12 Luật Đất đai năm 2003 đều quy định “Nhà nước khuyến khích khai hoang vỡ hóa, lấn biển để mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp”. Như vậy, việc người dân đã bỏ công khai phá đất hoang, vùng trũng sình lầy, biến thành đất nông nghiệp và đã sử dụng ổn định nhiều năm, tạo ra sản phẩm để nuôi sống gia đình, đóng góp cho xã hội là đáng hoan nghênh và phù hợp với quy định pháp luật. Mặt khác, đối với diện tích đất là vùng trũng, kênh rạch, nay không còn hiệu hữu và người dân đã dày công khai phá, san lấp, sử dụng ổn định mấy chục năm mà nay vẫn bị xem là lấn chiếm cũng là thiếu tình, yếu lý. Trong nhiều trường hợp đất có nguồn gốc khai hoang vỡ hóa, nếu lấy lý do người dân lấn chiếm đất để từ chối đền bù là chưa hợp lý. 

Trang Nhi

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục