Lý Quang Diệu - Người chèo lái Singapore thành “con hổ châu Á”

(Kinhdoanhnet) - Trong vòng 30 năm, ông Lý Quang Diệu thực hiện thành công nhiều cải cách, đưa đất nước Singapore trở thành một trong những "con hổ châu Á".

Từ một sinh viên luật trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore

Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923 trong một gia đình khá giả. Ông từng là học sinh hàng đầu tại Singapore, nhưng quãng thời gian sinh viên của ông bị trì hoãn vì Thế chiến II, khi đế quốc Nhật Bản chiến thắng khối Liên hiệp Anh và chiếm đóng Singapore, khi đó là thuộc địa của Anh, từ năm 1942 đến 1945. Sau chiến tranh, ông theo học trường Kinh tế London trước khi chuyển sang Đại học Cambridge, nơi ông tốt nghiệp với kết quả xuất sắc. Trong thời gian sống tại Anh, ông Lý nhận ra rằng Singapore cần phải được tự trị và về nước năm 1949.

Lý Quang Diệu - Người chèo lái Singapore thành “con hổ châu Á”
Ông Lý Quang Diệu từng tốt nghiệp ngành luật

Tháng 11/1954, ông Lý cùng với một nhóm trí thức trung lưu thành lập đảng Hành động Nhân dân (PAP). PAP chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức tháng 5/1959 nhờ tranh thủ ủng hộ từ cộng đồng người Hoa chiếm đa số, đặc biệt là những người trong công đoàn và các tổ chức học sinh cấp tiến. Ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore.

Kiến thiết Singapore

Thiếu thốn tài nguyên và nguồn cấp nước, khả năng phòng thủ rất hạn chế là những thách thức lớn mà ông Lý phải đối mặt sau khi đất nước giành được độc lập. Trong khi nỗ lực tạo lập và phát triển một quốc gia ổn định và thịnh vượng, chính quyền còn phải cảnh giác trước những xung đột có thể xảy ra trong một quốc gia đa sắc tộc. Dân cư Singapore chủ yếu là người gốc Hoa, Malaysia và Ấn Độ.

"Chúng tôi không có các yếu tố cơ bản làm nên một quốc gia", ông Lý nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ International Herald Tribune năm 2006, "dân tộc đồng nhất, ngôn ngữ, văn hóa và vận mệnh chung, chúng tôi không có những điều đó".

 

Ông Lý Quang Diệu chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Malaysia, tiếng Hoa và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức. Hầu hết trường học sử dụng tiếng Anh, mặc dù tiếng mẹ đẻ vẫn được giảng dạy.

Trong thời gian cầm quyền, ông Lý tiến hành các chính sách đổi mới đô thị và xây dựng nhà ở công cộng mới, giao quyền hạn lớn hơn cho phụ nữ, cải cách giáo dục và công nghiệp hóa. Ông luôn chú trọng vào kinh tế và kết nối lĩnh vực này với các mặt khác của đất nước, bao gồm việc xây dựng hình ảnh quốc tế là một "Thành phố vườn", điều được duy trì cho đến ngày nay.

Lý Quang Diệu - Người chèo lái Singapore thành “con hổ châu Á”
Ông Lý Quang Diệu là một nhà lãnh đạo kiệt xuất

Ông biến Singapore thành trung tâm vận tải và dịch vụ tài chính lớn với một trong những bến cảng tấp nập nhất thế giới. Theo Trung tâm Tăng trưởng và Phát triển Groningen, GDP đầu người của Singapore khi ông Lý lên nắm quyền năm 1959 là hơn 2.100 USD, và hơn 2.600 USD vào năm 1965, khi Singapore trở thành quốc gia độc lập. Con số này tăng lên hơn 14.200 USD vào năm 1990, khi ông rời ghế thủ tướng. Năm 2013, Singapore là nước có thu nhập đầu người đứng thứ ba thế giới. "Ông Lý Quang Diệu là người giúp thúc đẩy các phép màu kinh tế châu Á", Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tháng 10/2009.

Thông điệp chính của ông về động lực đằng sau sự thành công của Singapore rất đơn giản: "Chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia là yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng cạnh tranh của nước đó. Sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, làm việc theo nhóm, và đạo đức nghề nghiệp mang lại lợi thế lớn mạnh nhất trong cạnh tranh".

Theo Financial Times, ông Lý rất cứng rắn trong đấu tranh chống tham nhũng. Ông trao quyền lực lớn hơn cho Cục Điều tra Tham nhũng (CPIB) để tiến hành bắt giữ, truy lùng, điều tra tài khoản ngân hàng và việc nộp thuế thu nhập của nghi phạm và gia đình họ. Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới với hệ thống dịch vụ công trong sạch và hiệu quả.

Ông Lý Quang Diệu tin vào tính hiệu quả của đòn roi. Khi còn là thuộc địa của Anh, Singapore một vài lần sử dụng đòn roi để xử lý hành vi liên quan đến bạo lực cá nhân. Chính quyền ông Lý sau đó sử dụng biện pháp này để trừng trị một loạt tội danh. Đến năm 1993, Singapore ấn định bắt buộc xử lý 42 tội danh bằng đòn roi như nghiện hút và nhập cư trái phép và có thể sử dụng với 42 vi phạm khác. Singapore là một trong trong số ít các quốc gia trên thế giới dùng hình phạt đánh vào thân thể trong kỷ luật quân đội.

Tầm nhìn của nhà lãnh đạo kiệt xuất

Trong hơn ba thập kỷ cầm quyền, ông Lý Quang Diệu đã thể hiện mình là nhà lãnh đạo xuất chúng với những quyết sách đầy tính chiến lược nhằm tạo nên một quốc gia Singapore hùng mạnh về kinh tế, một trung tâm tài chính và công nghệ cao lớn nhất khu vực, một xã hội hiện đại-văn minh, một địa điểm an toàn và hấp dẫn các nhà đầu tư đồng thời là nơi “đáng sống” của rất nhiều những cá nhân tài năng từ khắp nơi trên thế giới.

Tại sao PAP của ông Lý Quang Diệu lại có thể dẫn dắt được người dân Singapore?

Quan điểm của ông Lý Quang Diệu về trọng dụng, thu hút nhân tài đã được Singapore thực hiện triệt để, rất có hiệu quả. Không chỉ tập trung đào tạo và phát triển người tài ở trong nước, Singapore còn đẩy mạnh thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, với những chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để họ làm việc, định cư lâu dài và nhập quốc tịch Singapore dễ dàng.

Lý Quang Diệu - Người chèo lái Singapore thành “con hổ châu Á”
Ông Lý Quang Diệu đã để lại cho đất nước Singapore một gia sản vô giá

Thứ hai, ông Lý Quang Diệu chủ trương PAP trực tiếp lãnh đạo đất nước. Tổng Thư ký PAP luôn luôn nắm chức Thủ tướng. Các đảng viên cao cấp PAP giữ các cương vị Bộ trưởng. Qua đó, đường lối của PAP được thực hiện trực tiếp qua các đảng viên nắm chức vụ lãnh đạo Nhà nước, nhờ vậy các chính sách luôn được xuyên suốt, đảm bảo tính nhất quán.

Thứ ba, và cũng là một trong những quyết định được cho là “then chốt” để Singapore bắt nhịp sự phát triển của thế giới, đó là chọn tiếng Anh làm một trong bốn loại ngôn ngữ được sử dụng chính thức ở Đảo quốc Sư tử. Ông từng nói: “Nắm vững tiếng Anh, đó là chìa khóa để giành lấy tri thức, công nghệ cao của phương Tây”. Mặt khác, ông Lý Quang Diệu còn tận dụng ngay bộ máy hành chính mà người Anh đã xây dựng ở Singapore trong hơn 100 năm đô hộ nhằm tiếp thu mọi “di sản” của một nền hành chính hiện đại.

Thứ tư, tôn chỉ và mục đích của Singapore được xác định là xây dựng một nhà nước tôn trọng người dân. Ông Lý Quang Diệu từng phát biểu: “Nếu chúng ta không ra sức làm việc, thì khi nhân dân mất lòng tin, tội lỗi sẽ thuộc về chúng ta. Khi nhân dân đã mất hết lòng tin, thì họ sẽ đòi hỏi một chính phủ khác”. Theo ông, người dân Singapore quan tâm đến việc “họ có được một chính phủ được thành lập qua bầu cử, họ có khả năng bầu ra chính phủ của họ và chính phủ sẽ đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ và cho con cháu mai sau."

Thành tựu thứ năm không thể không nói đến là quyết tâm chống tham nhũng triệt để. Ông Lý Quang Diệu nói: “Sự sống còn của Singapore hoàn toàn dựa vào sự liêm khiết và hiệu suất của các bộ trưởng và quan chức cao cấp của Chính phủ”. Ông nhiều lần khẳng định “nhân dân quyết không thể dung tha những phần tử đầu cơ và lưu manh”. Nhưng, muốn chống tham nhũng tốt và muốn thu hút được nhân tài, quan chức chính phủ phải được trả lương xứng đáng.

Với những chính sách thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn của một nhà lãnh đạo có tầm không chỉ của khu vực mà còn trên thế giới, ông Lý Quang Diệu đã để lại cho đất nước Singapore một gia sản vô giá, mà như nhiều nhà lãnh đạo cũng như các chuyên gia nhận định, khó có một ai sau này có thể “theo kịp” được người tiền nhiệm xuất sắc nhất của họ.

Phương Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục