Lợi nhuận sau thuế của Phát Đạt “tuột dốc”

Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) có lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 chỉ đạt gần 230 tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nợ cao, hàng tồn kho chất núi, mắc kẹt ở nhiều dự án.

Hàng tồn kho chất núi

Nguyên nhân, theo lý giải của ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt là do tình hình khó khăn chung của toàn thị trường, đặc biệt là ngành bất động sản nên việc đầu tư kinh doanh của Phát Đạt vào các dự án bất động sản không được thuận lợi. Đồng thời, do chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của công ty, vì vậy lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 của công ty giảm hơn 130% tương đương số tiền gần 981 tỷ đồng so với quý 4/2021.

Về tài sản của doanh nghiệp này, tại ngày 31/12/2022, tài sản ngắn hạn đạt hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 261 tỷ đồng giảm gần một nửa so với thời điểm 31/12/2021 (gần 494 tỷ đồng).

Về hàng tồn kho của Phát Đạt đang như núi, ở mức hơn 12.000 tỷ đồng và chủ yếu là bất động sản, chỉ có hơn 383 triệu đồng là hàng hóa. Số bất động sản chủ yếu là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí xây dựng và các chi phí đầu tư cho các dự án bất động sản đang triển khai.

Về hàng tồn kho của Phát Đạt đang như núi, ở mức hơn 12.000 tỷ đồng và chủ yếu là bất động sản.
Về hàng tồn kho của Phát Đạt đang như núi, ở mức hơn 12.000 tỷ đồng và chủ yếu là bất động sản.

Hiện doanh nghiệp này đang triển khai các dự án như EverRich 2 (River City, quận 7, Tp.HCM) ghi nhận số tiền gần 3.600 tỷ đồng, chủ yếu là tiền bồi thường đất và chi phí xây dựng. Tương tự là dự án Bình Dương Tower (Tp. Thuận An, Bình Dương) đang ghi nhận số tiền hơn 2.300 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm chi phí chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chi phí thiết kế tư vấn khảo sát và chi phí xây dựng khác.

Hai dự án nghìn tỷ khác đều ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm Tropicana Biến Thành - Long Hải đang ghi nhận gần 2.000 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm chi phí chuyển nhượng dự án, tiền bồi thường đất, tiền sử dụng đã nộp ngân sách Nhà nước… Kế đó là dự án Phước Hải đang ghi nhận số tiền hơn 1.500 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm chi phí chuyển nhượng dự án và chi phí xây dựng khác.

Ngoài hàng tồn kho lớn như núi, Phát Đạt đang có khối nợ khủng, ở mức gần 14.000 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với trên 11.000 tỷ đồng. Trong đó có khoản thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước là hơn 343 tỷ đồng, phải trả cho người lao động gần 19 tỷ đồng, quỹ khen thưởng phúc lợi trên 28,5 tỷ đồng. Hiện vốn chủ sở hữu của Phát Đạt chỉ ở mức gần 9.300 tỷ đồng, trong đó, vốn cổ phần là trên 6.700 tỷ đồng, thặng dư cổ phần trên 71 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.163 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 207 tỷ đồng.

Mắc kẹt tại nhiều dự án

Hiện Phát Đạt cũng đang “chôn chân” ở nhiều dự án dở, với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Điển hình như dự án Tòa nhà văn phòng Công ty tại 39 Phạm Ngọc Thạch (quận 3, Tp.HCM) ghi nhận số tiền hơn 520 tỷ đồng. Hay dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ Khu Cổ đại (tại quận 9, Tp.HCM) với số tiền hơn 426 tỷ đồng. Đặc biệt là Trung tâm Thể dục - Thể thao Phan Đình Phùng (quận 3, Tp.HCM) hơn 76 tỷ đồng hay dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình gần 8 tỷ đồng, Phần mềm quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp gần 16 tỷ đồng.

Để có tiền xoay sở, hiện Phát Đạt đang vay tổng số tiền là gần 4.500 tỷ đồng, trong đó, vay ngắn hạn là gần 2.700 tỷ đồng, gồm: vay ngân hàng là 133 tỷ đồng, trái phiếu là 2.214 tỷ đồng, vay bên khác là 320 tỷ đồng.

Trung tâm Thể dục - Thể thao Phan Đình Phùng trên... giấy.
Trung tâm Thể dục - Thể thao Phan Đình Phùng trên... giấy.

Phát Đạt vay dài hạn hơn 1.771 tỷ đồng, trong đó ngân hàng là 664 tỷ đồng, trái phiếu gần 300 tỷ đồng, vay bên khác hơn 812 tỷ đồng.Về vay ngân hàng, Phát Đạt là con nợ gần 1.000 tỷ đồng gồm: Ngân hàng thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - chi nhánh 11 Tp.HCM (Viettinbank) với 210 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận 3, Tp.HCM. Hay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Tân Định (Vietcombank) có khoản vay hơn 82 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 4,5 triệu cổ phiếu mang tên PDR sở hữu với cổ đông và quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận 3, Tp.HCM.

Ngoài ra, còn có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội - chi nhánh Đà Nẵng (Maritimebank) đang cho Phát Đạt vay hơn 205 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng. Rồi Maritimebank - chi nhánh Sài Gòn đang cho vay 300 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 15,4 triệu cổ phiếu PDR sở hữu với cổ đông, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, Tp. Thuận An, tỉnh Bình Dương. 

PV đã liên hệ với Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Thanh Tùng

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục