Các ngân hàng cho biết, nguồn thu từ cho vay ngày càng khó do chi phí vốn cao trong khi lãi suất cho vay ở mức thấp. Thêm vào đó, nợ xấu cao phải tăng trích lập dự phòng rủi ro đã ăn mòn lợi nhuận của ngân hàng.
Tín dụng mang lại khoảng 70% lợi nhuận cho các ngân hàng. Khoản lợi nhuận này được quyết định bởi hai yếu tố: chất và lượng. Xét về lượng thì hiện tăng trưởng tín dụng hết sức đì đẹt. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 22/4, tín dụng chỉ tăng 0,62% so với cuối năm 2013, bằng với mức tăng của cả năm 2013. Điều này cho thấy tình hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại từ tháng 4 trở về trước vẫn không khả quan hơn so với 2013. Nhìn về phía trước, đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tín dụng có cơ hội tăng trưởng vượt bậc trong những tháng tới để các ngân hàng có thể “lấy lại những gì đã mất”. Xét về chất, khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay đang ngày càng thu hẹp. Lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn dưới 12 tháng phổ biến ở mức 5,5-6%/năm; trên 12 tháng 7,5- 8,3%/năm. Trong khi đó, ở chiều cho vay, lãi suất ngắn hạn đang dao động ở mức 9-10,5%/năm còn lãi suất trung và dài hạn nằm trong khoảng 11 – 12,5%/năm. Lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 7%/năm, thậm chí nhiều ngân hàng chấp nhận mức 6%/năm. Đã vậy, trong phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ còn yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tích cực triển khai tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.
Cũng có ý kiến cho rằng, tới đây khi tốc độ giải ngân các gói tín dụng cho bất động sản được đẩy lên, thị trường chứng khoán khởi sắc thì tín dụng sẽ tăng tốc… Song những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán những ngày vừa qua cho thấy, tâm lý sợ rủi ro của các nhà đầu tư rất lớn, chưa thể kỳ vọng họ sẽ đầu tư một cách lâu dài, chuyên nghiệp. Còn bất động sản, cho dù có rất nhiều thông tin hỗ trợ thị trường từ Bộ Xây dựng và cả ngành ngân hàng, nhưng thị trường chưa có lực tăng mạnh. Vậy nên tín dụng của các ngân hàng thương mại đang khó cả về chất – chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và ra thấp.
Tại buổi làm việc giữa đại diện các ngân hàng thương mại và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM được tổ chức mới đây, hầu hết các ngân hàng đều cho biết nguồn thu từ hoạt động cho vay của các ngân hàng ngày càng gặp khó. Nguyên nhân là do chi phí vốn cao, trong khi lãi suất cho vay ở mức thấp. Thêm vào đó, tình trạng nợ xấu cao khiến cho các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro đã ăn mòn lợi nhuận các ngân hàng.
Hầu hết các báo cáo tài chính quý I/2014 vừa được các ngân hàng công bố, khoản thu nhập từ dịch vụ đều đạt mức tăng trưởng khá, cùng với đó, trong tổng thu nhập của ngân hàng, tỷ trọng đóng góp của mảng dịch vụ cũng tăng lên đáng kể tiêu biểu như ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Quý I năm nay, Techcombank đã thu về 673 tỷ đồng lợi nhuận, đạt 57% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2014. Đây quả là một con số bất ngờ trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, 65% của khoản lợi nhuận này lại đến từ mảng dịch vụ. Techcombank cho rằng, đây là kết quả của chiến lược đầu tư dài hạn và liên tục cho việc phát triển nền tảng công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Nếu cứ đầu tư mà thu được kết quả khả quan như vậy thì ngân hàng nào cũng sẵn sàng. Thế nhưng, thực tế không như vậy.
Theo bảng thuyết minh báo cáo tài chính, trong mục thu nhập từ hoạt động dịch vụ, các dịch vụ thanh toán và tiền mặt, dịch vụ tư vấn và dịch vụ khác mang về cho Techcombank nguồn thu lớn nhất, đạt lần lượt 197 tỷ đồng, 159 tỷ đồng và 157 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ cũng mang về cho MB 205 tỷ đồng lãi thuần trong quý I/2014, tăng 19% so với quý 1 năm trước. Các hoạt động dịch vụ bảo lãnh, dịch vụ thanh toán và tiền mặt… mang đóng góp chính nguồn thu cho MB trong mảng dịch vụ. Tương tự, nhiều ngân hàng khác cũng có sự tăng trưởng trong thu nhập từ dịch vụ như Ngân hàng Công thương tăng 29%, Đông Á tăng 27%, Á Châu tăng 17%, Sacombank tăng 10%, Ngân hàng Xuất nhập khẩu tăng 14,5%, Vietcombank tăng 11%, VPBank tăng 29%...
Thế Anh (Tổng hợp)