Lợi nhuận doanh nghiệp ngành gạo phân hoá: Người thắng lớn, kẻ hụt hơi

Quý III/2022, ngành gạo đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường, dù vậy, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn bộc lộ nhiều bấp bênh.

Theo thông tin từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong tháng 10/2022, giá gạo xuất khẩu Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng do đồng Baht yếu và nhu cầu giảm. Trong khi đó, giá tại Việt Nam và Ấn Độ ổn định gần mức cao nhất trong nhiều tháng do lo ngại về nguồn cung.

Về số liệu xuất khẩu, khối lượng gạo Việt Nam xuất khẩu tháng 10/2022 ước đạt 700.000 tấn với trị giá đạt 334 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,07 triệu tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. 

Trước những tín hiệu tích cực trên của thị trường, bên cạnh những thuận lợi ngành gạo vẫn còn gặp rất nhiều thách thức. Điều này thể hiện rõ nét qua tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành 9 tháng đầu năm.

Người thắng lớn

Theo báo cáo tài chính quý III/2022 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG), doanh thu thuần của công ty đạt 2.736 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Hết quý III/2022, Lộc Trời báo lãi 63,8 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả kinh doanh trên, doanh nghiệp của doanh nhân Huỳnh Văn Thòn đã thoát khỏi khoản lỗ hơn 46 tỷ đồng vào quý II vừa qua.

Sau 9 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 8.815 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu lương thực chiếm đa số với 57% tương đương 5.025 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời vẫn ghi nhận mức sụt giảm nhẹ so với 9 tháng đầu năm ngoái, đạt 203 tỷ đồng.

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành gạo phân hoá: Người thắng lớn, kẻ hụt hơi - Ảnh 1

Năm 2022, công ty lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm, LTG thực hiện được 50,75% kế hoạch cả năm.

Tính đến cuối tháng 9, với khối tài sản tổng tài sản 9.512,6 tỷ đồng, Lộc Trời đang “ôm" số nợ 6.565 tỷ đồng cao hơn 36% so với đầu năm. Đáng chú ý, công ty hiện có khoản vay ngân hàng trị giá 4.011 tỷ đồng tại 17 ngân hàng, tăng 13% so với số đầu kỳ.

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành gạo phân hoá: Người thắng lớn, kẻ hụt hơi - Ảnh 2

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác cũng ghi nhận tín hiệu kinh doanh khả quan trong quý III là Tập đoàn PAN (HoSE: PAN). Quý III/2022, doanh thu của PAN đạt 3.585 tỷ đồng, tăng 40% và lợi nhuận sau thuế đạt 142 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2021.

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của PAN ở mức 9.756 tỷ đồng, tăng 52%. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp báo lãi 232 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ.

Xét về cơ cấu doanh thu theo lĩnh vực, mảng nông nghiệp của doanh nghiệp ghi nhận tăng mạnh 179% lên 3.358 tỷ đồng trong khi mảng thực phẩm chỉ tăng nhẹ 8% đạt 6.407 tỷ đồng.

Năm 2022, PAN đề ra kế hoạch doanh thu 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng. Sau 9 tháng, PAN đã hoàn thành 69% kế hoạch doanh thu và 65% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Doanh nghiệp hụt hơi

Trái ngược với mảng sáng trong bức tranh kinh doanh quý III của ngành gạo, Gạo Trung An và Vinafood II lại chịu cảnh doanh thu ảm đạm, người vừa thoát lỗ, người thì chạm đáy lợi nhuận sau 3 năm.

Từng đứng vị trí là một trong những doanh nghiệp ngành gạo thu tăng trưởng mạnh trong quý II/2022 nhưng bước sang quý III/2022, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) ghi nhận lợi nhuận giảm sâu.

Theo đó, doanh thu đạt gần 499 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đã tiết giảm giá vốn hàng bán nhưng vì các chi phí trong quý phát sinh mạnh, đặc biệt là chi phí tài chính tăng thêm gần 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt 22,7 tỷ đồng dẫn đến sau thuế, Gạo Trung An báo lãi 2,1 tỷ đồng giảm mạnh hơn 94% so với quý III năm ngoái. Đây cũng chính là mức lợi nhuận thấp nhất trong 12 quý trở lại đây của Trung An.

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành gạo phân hoá: Người thắng lớn, kẻ hụt hơi - Ảnh 3

Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu của Trung An đạt 2.222 tỷ đồng, tăng 23,5%. Sau khi khấu trừ các chi phí, công ty báo lãi 52 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Như vậy, Gạo Trung An đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Gạo Trung An là 2.751 tỷ đồng, tăng 37,5% so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm đa số với 74%, tương đương  2.037,8 tỷ đồng. Chỉ số hàng tồn kho tính đến cuối tháng 9 của công ty đạt 1.451 tỷ đồng, tăng 43%, chủ yếu đến từ nguyên liệu, vật liệu.

Theo báo cáo tài chính quý III của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF), doanh thu thuần của Vinafood II đạt 3.654 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính của Vinafood II ghi nhận tăng mạnh hơn 92%, đạt mức 48,3 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Vinafood II báo lãi 265 triệu đồng, đây là tín hiệu đáng mừng khi quý III/2021 công ty báo lỗ hơn 97 tỷ đồng.

Lợi nhuận doanh nghiệp ngành gạo phân hoá: Người thắng lớn, kẻ hụt hơi - Ảnh 4

Mặc dù đã ghi nhận tín hiệu tốt so với khoản lỗ liên miên trong các năm trước nhưng kết quả kinh doanh quý III của Vinafood II vẫn ảm đạm so với các doanh nghiệp cùng ngày. Bài toán lấy lại vị thế của doanh nghiệp xuất khẩu lừng lẫy 1 thời chắc hẳn sẽ còn rất xa

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù doanh thu thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng Vinafood II thu về hơn 5,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt xa so với số lỗ gần 248 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, so với kế hoạch kinh doanh cả năm, Vinafood II mới chỉ hoàn thành chưa đến 5%.

Thị trường ngành gạo rộng mở, nhiều tiềm năng 

Theo dự báo mới đây của VNDirect về triển vọng ngành gạo, sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, giá gạo theo cũng sẽ tăng lên do áp lực từ sự sụt giảm về khối lượng xuất khẩu. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo toàn cầu đối mặt rủi ro do tính trạng thời tiết khắc nghiệt ở các nước xuất khẩu lớn.

Chuyên gia VNDirect nhận định, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, chiếm khoảng 7,8% thương mại gạo toàn cầu; và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần. Giá gạo Ấn Độ với mức thuế cao hơn sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và có khả năng khiến người mua chuyển hướng sang gạo Thái Lan và Việt Nam. Chính phủ Thái Lan đang tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ người nông dân trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. 

Giá gạo Ấn Độ với mức thuế cao hơn sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh (Ảnh: Hữu Thắng)

Giá gạo Ấn Độ với mức thuế cao hơn sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh (Ảnh: Hữu Thắng)

Các chuyên gia VNDirect cho rằng CTCP Tập đoàn Lộc Trời sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo nhờ là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là châu Âu và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, VNDirect cho rằng CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm sản lượng và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán. Kinh doanh gạo là lĩnh vực chủ yếu của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chính của doanh nghiệp này với tỷ trọng lên đến 27% doanh thu xuất khẩu.

Đồng thời, VNDirect cho rằng CTCP Tập đoàn PAN sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc châu Âu giảm sản lượng và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán. Hiện nay, mảng nông nghiệp đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của PAN. Sản lượng sản xuất lúa gạo châu Âu giảm sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy sản lượng xuất khẩu. Việc giá xuất khẩu gạo được kỳ vọng tăng sẽ giúp gia tăng biên lợi nhuận gộp của mảng lúa gạo.

Nguyễn Phương Anh

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục