Lợi nhuận của các nhà băng trong quý II sẽ khó tăng mạnh

Dù có cơ sở để tin rằng kết quả kinh doanh quý II của ngành ngân hàng sẽ có sự chuyển biến bởi chi phí trích lập dự phòng được dự báo vẫn cao trong khi chi phí hoạt động có thể sẽ tăng trở lại.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường trong tháng Sáu với mức tăng giá hơn 17%. Điểm sáng lớn nhất đối với ngành trong hai quý đầu năm là mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 6,1% (tính đến hết tháng Sáu), cao nhất trong vòng năm năm qua.

Tuy nhiên, nhìn lại KQKD quý I, tăng trưởng tổng thu nhập của hầu hết các ngân hàng vẫn chưa thể lấy lại tốc độ của những năm trước.

Việc tập trung tiết giảm chi phí hoạt động và cải thiện chất lượng tài sản khiến chi phí dự phòng rủi ro của toàn hệ thống tăng 22% so với cùng kỳ trong khi tỷ lệ Thu nhập hoạt động/Tổng tài sản giảm còn 0,8% trong quý I (từ 0,9% trong quý 4/2014).

Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trong quý I/2015 (2,93%) cũng thấp hơn cùng kỳ 2014 (3,0%).

Bức tranh ngành ngân hàng sẽ là không trọn vẹn nếu không đề cập đến tỷ lệ nợ xấu. Cuối quý I/2015, tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng niêm yết là 2,2%, thấp hơn toàn hệ thống.

Tính chung năm tháng đầu năm 2015, VAMC đã mua vào khoảng 12.737 tỷ đồng nợ xấu, bằng 17% kế hoạch năm 2015 đồng thời thu về khoảng 8.670 tỷ đồng thông qua xử lý tài sản đảm bảo và thu hồi nợ.

Tuy nhiên, theo kế hoạch, các ngân hàng còn phải bán thêm hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Như vậy, với tốc độ xử lý nợ hiện tại, các ngân hàng còn nhiều việc phải làm để xử lý dứt điểm nguy cơ từ nợ xấu.

Trong báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 7/2015, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, dù có cơ sở để tin rằng kết quả kinh doanh quý II của ngành ngân hàng sẽ có sự chuyển biến, nhưng lợi nhuận của các nhà băng khó có động lực tăng mạnh. Nguyên nhân là do chi phí trích lập dự phòng được dự báo vẫn cao trong khi chi phí hoạt động có thể sẽ tăng trở lại.

"Mặt khác, việc giá cổ phiếu đã tăng nhiều trong sáu tháng đầu năm khiến tỷ lệ P/E và P/B của cổ phiếu trong ngành, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh với đại diện là VCB, BID và CTG đang trở nên kém hấp dẫn dù bức tranh toàn ngành đã sáng hơn", VDSC cho biết.

Theo BizLIVE

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục