BIDV là ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước quy mô lớn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Song ngân hàng lớn thường gắn liền với khách hàng lớn, nên rủi ro cũng rất lớn.
Theo đó, tính đến cuối năm 2019, BIDV có gần 11.210 tỷ đồng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), đây là nhóm nợ nguy hiểm nhất, tăng gần 4.040 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng nợ xấu của ngân hàng.
Số dư nợ xấu nội bảng của BIDV tăng thêm 650 tỷ đồng lên 19.451 tỷ đồng (tương đương tăng 3,4%). Với số liệu trên, BIDV hiện lại tiếp tục đứng đầu hệ thống ngân hàng về nợ xấu nội bảng trong đó có nợ nhóm 5.
Ngoài nợ nhóm 5, nợ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) tại BIDV ở mức 3.850 tỷ đồng và nợ nhóm 4 ( nợ nghi ngờ) ở mức 4.393 tỷ đồng cũng thuộc top cao nhất trong hệ thống ngân hàng.
Trong năm 2019, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 9,4% lên mức kỉ lục 30.885 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng đã phải mạnh tay trích tới hơn 20.000 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, tăng 6,2% so với năm 2018.
Như vậy, chi phí dự phòng rủi ro đã ăn mòn mất gần 65% lợi nhuận thuần của BIDV và là nguyên nhân chính kéo giảm tốc độ tăng của lợi nhuận trước thuế của nhà băng này.
Với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng như trên, BIDV là ngân hàng có lượng trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất trong số các NHTM đã công bố báo tài chính hợp nhất quý 4/2019
Danh mục cho vay của BIDV. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2019).
Nợ xấu tăng chóng mặt, trong năm 2019, nhà băng này ráo riết rao bán các khoản nợ khổng lồ từ các ông lớn bất động sản, vận tải như Hưng Ngân, Thuận Thảo, Đức Khải,...
Bước sang năm 2020 chưa đầy 2 tháng, các chi nhánh của BIDV tiếp tục phát hành hơn 40 thông báo về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, có một số tài sản được rao bán nhiều lần, giá cũng bị giảm mạnh nhưng ngân hàng vẫn chưa xử lý được, khó có người mua.
Đơn cử như khoản nợ của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG). Đơn vị kiểm toán từng nhấn mạnh hầu hết các khoản nợ vay của tập đoàn này đã quá hạn thanh toán, đặc biệt là nợ vay ngân hàng.
Tập đoàn có thể sẽ không có khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả trong điều kiện kinh doanh bình thường. Và BIDV là chủ nợ lớn nhất của tập đoàn Đức Long Gia Lai với khoản vay 1.781 tỷ đồng, gồm 1.540 tỷ đồng dài hạn và 241 tỷ đồng ngắn hạn. BIDV ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng từ điều này.
Mới đây, Đức Long Gia Lai lại bị BIDV đấu giá lô đất hàng trăm m2 chỉ 57 tỷ, thấp hơn 10 tỷ đồng so với nguyên giá của khu đất.
Thời gian tới, ngoài việc trích lập dự phòng để cải thiện quản lý rủi ro thì có lẽ BIDV còn phải nỗ lực hoạt động để nuôi các khoản nợ có khả năng mất vốn.
Hà Phương