Lộc Trời miễn nhiệm CEO Nguyễn Duy Thuận: Từ lãi trăm tỷ, bỗng rơi vào thua lỗ, nợ nần

Việc miễn nhiễm nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Duy Thuận diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Lộc Trời đang thua lỗ và dính lùm xùm về nợ tiền lúa của nông dân.

HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vừa thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Duy Thuận.

Tập đoàn Lộc Trời cho biết ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT sẽ tạm thời điều hành hoạt động của doanh nghiệp cho tới khi bổ nhiệm CEO mới.

Ông Nguyễn Duy Thuận.
Ông Nguyễn Duy Thuận.

Được biết, ông Nguyễn Duy Thuận sinh năm 1970, được giới thiệu có trình độ thạc sĩ quản trị chiến lược. Ông Thuận cũng được giới thiệu có nhiều năm công tác tại các công ty nước ngoài lớn như Sony, Philips, Unilever, Nestle; từng có 5 năm làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược.

Từ năm 2019 đến nay, ông Thuận làm việc tại Tập đoàn Lộc Trời và không sở hữu cổ phiếu nào của doanh nghiệp. Trước khi được được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc (tháng 4/2020), ông Thuận từng giữ các chức vụ như giám đốc tài chính, giám đốc nhân sự, phó trưởng ban diều hành các ngành vật tư nông nghiệp và lương thực.

Việc miễn nhiệm ông Thuận diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Lộc Trời đang thua lỗ và dính lùm xùm về nợ tiền lúa vụ Đông Xuân của nông dân

'Nốt trầm' của Tập đoàn Lộc Trời

Tập đoàn Lộc Trời tiền thân là Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, được thành lập năm 1993, đến nay đã 31 năm. Doanh nghiệp bắt đầu với lĩnh vực cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó bén duyên với ngành kinh doanh hạt giống; trồng lúa và tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo; các sản phẩm hữu cơ sinh học...

Theo báo cáo thường niên 2023, Lộc Trời đạt diện tích liên kết, sản xuất với nông dân đạt 256.000ha và liên tục tăng, có thể đạt gần 300.000ha từ vụ Đông Xuân 2022-2023. Cuối năm này, Lộc Trời còn trúng thầu và giao thành công 180.000 tấn gạo trong các gói thầu cung ứng gạo cho Bulog, cơ quan hậu cần của Chính phủ Indonesia.

Là doanh nghiệp đầu ngành, Lộc Trời có bức tranh kết quả lợi nhuận khả quan trong nhiều năm qua. Hàng năm, công ty có lãi vài trăm tỷ đồng đều đặn, còn doanh thu 3 năm qua đều trên 10.000 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, từ năm ngoái trở lại đây, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời lại dần kém tích cực khi doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận lại trượt về âm.

Lộc Trời miễn nhiệm CEO Nguyễn Duy Thuận: Từ lãi trăm tỷ, bỗng rơi vào thua lỗ, nợ nần - Ảnh 1

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trong 5 quý kinh doanh thì Lộc Trời báo lỗ tới 3 quý. Đỉnh điểm tại quý III/2023, Lộc Trời báo lỗ tới 327 tỷ đồng. Đây là số lỗ cao kỷ lục chưa từng có của Lộc Trời kể từ khi lên sàn chứng khoán Việt Nam.

Những khoản lỗ lớn tại quý I và quý III đã gần như thổi bay toàn bộ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Lộc Trời. Kết quả năm 2023. LTG chỉ báo lãi 16 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2022.

Bước sang năm 2024, tính đến cuối quý I, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty vẫn báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 132 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty báo lỗ ròng trên 96 tỷ. Mức lỗ này tăng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ 2023.

Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản Lộc Trời đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 78% về còn hơn 105 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 43%, đạt hơn 2.800 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 5, Lộc Trời cũng vướng lùm xùm về nợ tiền lúa vụ Đông Xuân của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy vụ Đông Xuân 2023-2024, Tập đoàn Lộc Trời nợ 245 tỷ đồng tiền mua lúa của hơn 900 nông dân huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Tri Tôn. Tương tự, tại Đồng bằng Sông Cửu Long, các sở nông nghiệp cho biết Lộc Trời còn nợ 227 tỷ đồng.

Thời điểm đó, Tập đoàn Lộc Trời cho biết do chưa thu xếp kịp dòng tiền từ việc vay vốn của các ngân hàng. Trong khi đó, tiền thanh toán của khách hàng quốc tế về chậm. Năm nay, các đối tác cũng khó trong hoạt động kinh doanh khi giá gạo biến động khiến công ty gặp khó về dòng tiền.

Rất may vào cuối tháng 5, Tập đoàn Lộc Trời đã hợp tác với ngân hàng Tiên Phong (TPBank) để thanh toán toàn bộ khoản tiền còn nợ bà con nông dân.

Bối cảnh khó khăn của Tập đoàn Lộc Trời cũng được thể hiện trong thư ngỏ mới đây của Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn. Trong đó, ông Thòn thông báo việc sẽ trực tiếp chỉ đạo và điều hành các hoạt động của tập đoàn cho đến khi có quyết định bổ nhiệm tổng giám đốc mới.

Ông Thòn cũng cam kết sau khi ổn định nhân sự, ổn định sản xuất kinh doanh hiệu quả sẽ hoàn thành mọi trách nhiệm và nghĩa vụ với các cơ quan quản lý, đối tác, ngân hàng, nhà phân phối, bà con nông dân...

Hậu sự cố, Tập đoàn Lộc Trời đang từng bước thực hiện tái cấu trúc tài chính, đối thoại và tìm tiếng nói chung với các đối tác tài chính cùng ngân hàng để tìm ra giải pháp khả thi và hiệu quả, cân đối giữa các nguồn vốn, dòng vốn nhằm ổn định và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của tập đoàn.

Cuối tháng 5, doanh nghiệp cho biết đang hoàn tất những bước cuối cùng trong thỏa thuận vay trị giá 90 triệu USD (tương đương 2.200 tỷ đồng) với Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO), đồng thời đàm phán với các ngân hàng trong và ngoài nước có cùng định hướng phát triển nông nghiệp bền vững để đồng hành lâu dài, thống nhất các khoản tài trợ trung và dài hạn và dòng vốn ngắn hạn, hạn chế tối đa các ‘nút thắt cổ chai’ về dòng tiền trong tương lai.

Linh Lang

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục