Lọc hóa dầu Bình Sơn giải trình nguyên nhân lợi nhuận "bốc hơi" hơn 170 tỷ sau kiểm toán

Lợi nhuận sau thuế của Lọc hóa dầu Bình Sơn đã bốc hơi hơn 170 tỷ đồng sau kiểm toán, giá cổ phiếu BSR thì mất tới 70% giá trị trong vòng 1,5 năm qua thậm chí đã về dưới mệnh giá.

Lợi nhuận “bốc hơi” 173 tỷ đồng sau kiểm toán do tăng trích lập tồn kho

Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.

Lọc hóa dầu Bình Sơn giải trình nguyên nhân lợi nhuận "bốc hơi" hơn 170 tỷ sau kiểm toán - Ảnh 1
Nguồn: BSR

Sau kiểm toán, giá vốn của BSR tăng khiến lợi nhuận gộp giảm từ 1.476 tỷ đồng ở báo cáo tự lập xuống 1.297 tỷ đồng.

Chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng sau kiểm toán. Đáng chú ý, lãi sau thuế 6 tháng đầu năm của BSR giảm 173 tỷ đồng sau kiểm toán còn 704 tỷ đồng.

BSR giải trình chênh lệch lợi nhuận trước và sau soát xét là vì trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của doanh nghiệp sau soát xét tăng gần 120 tỷ đồng so với tự lập do giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho (dầu thô, sản phẩm) tại thời điểm lập báo cáo soát xét thấp hơn so với thời điểm lập báo cáo tự lập.

Giá dầu thô, sản phẩm trong tháng 7/2019 càng ngày càng giảm; giá dầu thô và sản phẩm bình quân cả tháng 7 – thời điểm lập báo cáo soát xét thấp hơn bình quân 17 ngày đầu tháng là thời điểm trước soát xét.

Bên cạnh đó, một số khoản chi phí của tháng 6/2017 nhưng Công ty nhận được hồ sơ trễ sau ngày chốt số liệu báo cáo trước soát xét dẫn đến ghi nhận thiếu chi phí. Các khoản chi phí này đã được ghi nhận bổ sung khi lập báo cáo soát xét.

BSR giải trình loạt ý kiến loại trừ của Kiểm toán

Ở báo cáo soát xét, Kiểm toán cũng đưa ra ý kiến loại trừ về việc xác định giá trị tổn thất của khoản đầu tư vào CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR - BF) tương đương với giá trị dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào BSR - BF đã trích lập tại ngày 30/6/2018 và quyết định sử dụng toàn bộ giá trị khoản dự phòng đã trích lập để bù đắp tổn thất tại thời điểm chuyển thành công ty cổ phần với số tiền khoảng 536 tỷ đồng.

Theo Deloitte, giá trị tổng thất của khoản đầu tư vào BSR - BF tại ngày 30/6/2018 có thể thay đổi tùy thuộc vào sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền và theo đó, khoản mục “phải trả ngắn hạn khác” và khoản mục “chênh lệch đánh giá lại tài sản” trên bảng cân đối kế toán hợp nhất giữa niên tại ngày 30/6/2019 và tại ngày 31/12/2018 có thể bị thay đổi tương ứng. Phía kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không vì không thể thu thập đầy đủ các bằng chứng soát xét thích hợp về giá trị tổn thất của khoản đầu tư.

Phía BSR giải trình rằng căn cứ Nghị định 126 về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, Công ty TNHH MTV  do nhà nước nắm 100% vốn thì BSR đã xác định khoản tổn thất đầu tư tài chính vào BSR - BF theo số dư lũy kế trên báo cáo tài chính của công ty này tương ứng với tỷ lệ góp vốn của BSR nên toàn bộ khoản dự phòng này được sử dụng để bù đắp tổn thất.

Tại ngày lập báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, các cơ quan có thẩm quyền chưa có quyết định, phê duyệt về việc quyết toán cổ phần hóa tại BSR. Vì vậy, theo ý kiến kiểm toán, Kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng soát xét thích hợp về giá trị tổng thất của khoản đầu tư BSR - BF.

Lọc hóa dầu Bình Sơn giải trình nguyên nhân lợi nhuận "bốc hơi" hơn 170 tỷ sau kiểm toán - Ảnh 2
Diễn biến giá cổ phiếu BSR từ lúc lên sàn đến nay (Nguồn: VNDirect)

Ngày 1/3/2018, cổ phiếu BSR chính thức giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 22.400 đồng và tăng vọt 40% trong phiên đầu tiên lên 31.300 đồng/cp.

Tuy nhiên kể từ đó đến nay, cổ phiếu BSR liên tục lao dốc, mất 70% giá trị chỉ trong vòng 1,5 năm qua và đã về dưới mốc mệnh giá từ ngày 7/8. Kết phiên 21/8, BSR đạt 9.500 đồng/cp.

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục