Loạt "ông lớn" ngân hàng dù lãi nghìn tỷ vẫn khó chia cổ tức tiền mặt

Mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng năm nay “dậy sóng” câu chuyện chi trả cổ tức khi nhiều cổ đông nhỏ lẻ đặt câu hỏi chất vấn ngân hàngv vì sao không trả tiền mặt. Tuy nhiên, các nhà băng cũng có thế khó của họ và mong cổ đông thông cảm.

Còn chờ phê duyệt từ NHNN

Theo báo Thanh niên, 2 năm trước, cổ đông của các ngân hàng đã có phần hụt hẫng khi không được chia cổ tức do NHNN yêu cầu các nhà băng giảm chỉ tiêu lợi nhuận, tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền để hạ thêm lãi suất cho vay.

Do đó, bước vào vào mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều người hy vọng sẽ có thêm khoản tiền mặt quý giá trong thời buổi khó khăn hiện nay. Đặc biệt, việc hàng loạt nhà băng công bố kế hoạch chia cổ tức phổ biến 20 - 25%, thậm chí có ngân hàng chia đến 35% càng khiến cổ đông háo hức.

Nhiều cổ đông mong đợi được nhận cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Ảnh: THÀNH HOA
Nhiều cổ đông mong đợi được nhận cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Ảnh: THÀNH HOA

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều ngân hàng đang trong giai đoạn cơ cấu nên chưa được phép chia cổ tức. Hay nhóm Big4 muốn chia cổ tức còn phải chờ ý kiến từ cơ quan có thẩm quyền, thông tin trên Vietnamnet.

Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Vietcombank thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, bằng việc dành ra 21.680 tỷ đồng để chia cổ tức. 

Đại hội uỷ quyền cho HĐQT thực hiện việc này theo văn bản phê duyệt của NHNN, đồng thời xây dựng phương án tăng vốn điều lệ phát hành cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2022 (giá trị 21.680 tỷ đồng) khi được NHNN phê duyệt.

Với đặc thù là ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối, ĐHĐCĐ Vietcombank cũng nhất trí với đề xuất của HĐQT rằng, cổ tức năm 2023 cũng theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Tương tự, Ngân hàng VietinBank thông qua đề xuất dành 11.521 tỷ đồng lợi nhuận còn lại để tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Quyết định và thực hiện phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 chính thức còn phải đợi ý kiến phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Còn tại ĐHĐCĐ Ngân hàng BIDV, cổ đông thông qua kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 bằng việc phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 23%, từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2022 khoảng 11.634 tỷ đồng.

HĐQT BIDV được uỷ quyền thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2022 theo ý kiến chính thức của NHNN, đảm bảo không vượt các tỷ lệ tối đa theo phê duyệt của Đại hội.

Thậm chí, BIDV còn chưa chi trả cổ tức năm 2021. Ngân hàng dự kiến phát hành 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 (tương ứng lợi nhuận chưa phân phối 6.420 tỷ đồng). Thời gian chi trả dự kiến trong năm 2023 sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Nhà băng tiếp tục tích lũy

Theo tạp chí Đầu tư chứng khoán, Techcombank có lợi nhuận sau thuế dùng để trích lập các quỹ năm 2022 là 17.907 tỷ đồng, tổng lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tính đến cuối năm 2022 đạt 40.137 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại có thể phân phối của ngân hàng này là 23.539 tỷ đồng, nhưng HĐQT vẫn chưa có ý định chia cổ tức, mà dự kiến để lại nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh. Lần chia cổ tức gần nhất của Techcombank là 5 năm trước (2018), nhưng không phải bằng tiền, mà bằng cổ phiếu.

Với Sacombank, lần chia cổ tức gần nhất là năm 2015, nhưng cũng bằng cổ phiếu (20%). Năm 2022, lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ của Sacombank đạt 3.741 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng trình đại hội cổ đông kế hoạch giữ lại toàn bộ lợi nhuận để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Nếu được thông qua, phần lợi nhuận lũy kế của Ngân hàng sẽ tăng lên 12.700 tỷ đồng.

PG Bank và Saigonbank cũng không chia cổ tức trong nhiều năm qua. Năm nay, cả 2 ngân hàng này tiếp tục không có kế hoạch chi trả cổ tức. Như vậy, 2023 là năm thứ 10 liên tiếp, PGBank không chia cổ tức, còn Saigonbank là năm thứ 6 liên tiếp.

Vân Anh (t/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục