Loạt cổ phiếu tiềm năng trong ngành xây dựng

Chuyên gia của Vietcap đánh giá triển vọng các công ty vật liệu xây dựng lớn hơn các nhà thầu trong bối cảnh ngành xây dựng phục hồi.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến về Tổng quan tiềm năng ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng năm 2024 - 2025 do Vietcap Research tổ chức chiều ngày 01/11, ông Hoàng Gia Huy, Chuyên viên phòng nghiên cứu và phân tích Vietcap, nhận định, ngành xây dựng đóng góp 6 - 7% vào GDP Việt Nam trong giai đoạn 2013 - 2023, thể hiện mối tương quan cao với GDP.

Ngành xây dựng của Việt Nam bao gồm 3 mảng chính: dân dụng, công nghiệp và thương mại, và cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2013 - 2023, xây dựng dân dụng chiếm 41% tổng giá trị xây dựng, tiếp theo là xây dựng công nghiệp và thương mại (32%), và cơ sở hạ tầng (27%).

Triển vọng trong ngắn hạn và dài hạn

Vietcap kỳ vọng tất cả các mảng xây dựng đều tăng trưởng trong ngắn và dài hạn, dù sự phục hồi ở mảng dân dụng có thể chậm hơn.

Mảng xây dựng dân dụng sẽ dần hồi phục cùng nhịp với thị trường bất động sản nhà ở trong ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, tăng trưởng GDP và quá trình đô thị hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng dân dụng tăng trưởng. Theo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tốc độ đô thị hoá của Việt Nam sẽ đạt từ 43% vào năm 2023 lên 70% vào năm 2050.

Loạt cổ phiếu tiềm năng trong ngành xây dựng - Ảnh 1

Ở nhóm xây dựng công nghiệp và thương mại, ông Huy kỳ vọng dòng vốn FDI mạnh mẽ sẽ là động lực chính thúc đẩy nhóm này. Bên cạnh đó, trọng tâm phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030 nhờ những lợi thế: vị trí địa lý gần Trung Quốc; chi phí lao động cạnh tranh; ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và cơ sở hạ tầng – môi trường kinh doanh được cải thiện sẽ thúc đẩy ngành xây dựng trong tương lai gần và xa.

Ở nhóm cơ sở hạ tầng, mục tiêu đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ trong giai đoạn 2021 – 2030 sẽ là động lực tăng trưởng chính. Việt Nam đang có nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn như: Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2; Đường vành đai 3 TP. HCM; đường vành đai 4 Hà Nội; Sân bay Quốc tế Long Thành; đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; trung tâm logistics Cái Mép Hạ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Chuyên gia Vietcap kỳ vọng môi trường lãi suất thấp và Luật Đấu thầu mới (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) sẽ mang lại lợi ích cho toàn ngành xây dựng. Tuy nhiên, ngành xây dựng vẫn còn đối mặt với một số thách thức trong ngắn hạn như sự cạnh tranh gay gắt, biến động giá vật liệu xây dựng, và áp lực nợ xấu đối với các nhà thầu xây dựng dân dụng.

5 cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lớn

5 cổ phiếu trong nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng được Vietcap đánh giá cao bao gồm HPG, BMP, CTD, VCG và HHV. Vietcap đánh giá triển vọng các công ty vật liệu xây dựng lớn hơn các nhà thầu trong bối cảnh ngành xây dựng phục hồi, do vị trí thượng nguồn nên có khả năng ghi nhận lợi nhuận sớm trong chu kỳ xây dựng.

Cụ thể, HPG và BMP sẽ hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào thuận lợi và nhu cầu xây dựng trong nước phục hồi. Nhu cầu yếu từ Trung Quốc đã giữ giá hàng hóa ở mức thấp từ đầu năm đến nay. Đối với thép, dù giá bán đầu ra giảm, chi phí đầu vào cũng giảm nhanh hơn, giúp HPG có thể mở rộng biên lợi nhuận gộp trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025. Đối với nhựa, giá nhựa PVC vẫn ở mức thấp, giúp BMP duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức cao kỷ lục trong năm 2024 - 2025.

CTD có cơ hội hưởng lợi từ sự phục hồi của các hoạt động sản xuất xây dựng dân dụng Việt Nam và giá nguyên liệu đầu vào giảm. Vietcap dự báo rằng các công trình xây dựng công nghiệp của CTD sẽ có mức tăng trưởng tốt trong vòng 3 năm tới.

Ngoài ra, VCG và HHV nằm trong số các công ty xây dựng có sở hạ tầng hàng đầu, nổi bật với năng lực xây dựng mạnh và lượng backlog lớn. Cả 2 công ty hiện đang thi công giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành. Với các dự án này, cùng bề dày kinh nghiệm của 2 công ty và kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng dài giai đoạn 2021 -2030 của Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn trong trung hạn.

Tuy nhiên, xét về tín hiệu kỹ thuật các cổ phiếu này, ông Vũ Minh Đức, Phó Giám đốc Phòng nghiên cứu và phân tích Vietcap nhận thấy, BMP đang có xu hướng tăng, tín hiệu trung hạn cũng ở mức tích cực. CTD, HPG, HHV là trung tính, riêng VCG có tín hiệu tiêu cực cho xu hướng trung hạn.

BMP có trạng thái kỹ thuật tốt, cuối tháng 10 đã thiết lập mức giá cao nhất với 137.800 đồng (phiên 31/10), hiện tại có nhịp tăng khá rõ. Tuy nhiên vào ngày 01/11, cổ phiếu hứng chịu lực bán lớn do áp lực chốt lời, BMP có thể có gặp đợt điều chỉnh giảm về 128.500 đồng trong thời gian tới, xấu hơn sẽ là 120.000 đồng.

Vừa qua, CTD đã vận động trong nhịp tăng giá từ 59.000 – 67.900 đồng, nhưng vẫn chưa vượt qua đường trung bình động 200 ngày, chưa đủ tạo ra một nhịp tăng mạnh. Ông Đức hy vọng CTD sẽ bứt phá thành công mốc 68.000 – 69.000 đồng thì đồ thị trung hạn sẽ hấp dẫn hơn.

HPG đang giao dịch giằng co, thể hiện nhịp điều chỉnh ngắn hạn rõ nét khi chịu áp lực chốt lời khi cổ phiếu tăng từ 25.000 – 27.500 đồng nên ngắn hạn có thể gặp điều chỉnh. Nhà đầu tư có thể tích luỹ vùng giá 26.000 trong vài tuần tới, nếu đúng kịch bản, sau đó HPG sẽ thực hiện breakout và đi lên.

HHV đang yếu hơn, có thể liên quan đến yếu tố cơ bản do nhà thầu sẽ có độ trễ so với doanh nghiệp vật liệu xây dựng và chưa phản ánh vào HHV nên cổ phiếu đang đi ngang trong vùng 11.650 – 12.750 đồng. VCG cũng nằm trong thị trường giá xuống, nhưng xu hướng ngắn hạn mang tính chất điều chỉnh giảm, VCG có thể giảm về đáy tháng 8 là 16.500 đồng, nếu tích luỹ tốt sẽ tạo đáy thứ 2 và tạo đà tăng trường trung hạn sắp tới.

Như Hằng

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục