Lộ diện danh tính 4 công ty làm nước mắm bằng acid, chất tẩy rửa vệ sinh

TCDN - Liên quan đến vụ việc chấn động "dùng hóa chất tẩy rửa vệ sinh, hóa chất tẩy rửa công nghiệp để làm nước mắm, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT đã công bố danh tính của 4 công ty này.

Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết đã phát hiện bốn công ty sản xuất nước mắm và nước mắm bán thành phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang, Vĩnh Long và TP.HCM sử dụng acid, chất tẩy rửa vệ sinh để sản xuất nước mắm.

Theo đó, 4 công ty sản xuất, kinh doanh và chế biến nước mắm không đúng quy định đó là: Công ty TNHH MTV Điều Hương (Địa chỉ: Ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang); Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (Địa chỉ: Số 47 Trần Phú, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long); Công ty TTHH thực phẩm Tấn Phát (Địa chỉ: Tổ 1, ấp Tân Đông, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long); Công tư Cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành (Địa chỉ: Ấp 4, Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh).

Lộ diện danh tính 4 công ty làm nước mắm bằng acid, chất tẩy rửa vệ sinh - Ảnh 1
Một mẫu nước mắm được Thanh tra Bộ NN&PTNT phát hiện vi phạm vệ sinh ATTP.

 

Các đơn vị này đã vi phạm vào 2 hành vi: Sản xuất chế biến không có vật che chắn để côn trùng và các động vật đi qua; sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng phụ gia không đúng quy định - soda công nghiệp (Na2CO3) là loại không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Cụ thể, theo Phòng Thanh tra chuyên ngành 1 - Thanh tra Bộ NN&PTNT, tại các cơ sở được thanh tra, nguyên liệu dùng trong sản xuất nước mắm gồm dịch bột ngọt (dung dịch có tính acid, công bố dưới dạng phụ gia thực phẩm) hoặc dung dịch nước tôm, dịch bổi cá (nước đầu của việc ủ cá với muối).

Các nguyên liệu này sau khi xử lý được cho chạy qua xác cá ủ chượp (đã loại thải sau khi thu hoạch nước mắm truyền thống). Cuối cùng cho ra các sản phẩm nước mắm bán thành phẩm có độ đạm khác nhau tùy theo việc cô đặc và phụ gia chế biến (có mùi vị của nước mắm).

Nước mắm bán thành phẩm được bán cho các cơ sở sản xuất nước mắm có quy mô lớn, nhỏ khác nhau để tiếp tục sử dụng các chất điều vị, mùi, màu hoặc tiếp tục xử lý, cô đặc để thành các sản phẩm nước mắm có giá trị khác nhau đưa ra thị trường tiêu thụ...

Đáng chú ý, dịch bột ngọt có tính acid (pH từ 3-4), giá rất thấp, tính cả chi phí vận chuyển chỉ có 500 đồng/lít.

Sau khi phát hiện, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã ban hành bốn quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt số tiền 782 triệu đồng với bốn công ty.

 

Theo Bích Thảo/Taichinhdoanhnghiep

 

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục