Dự trữ bắt buộc, hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một quy định của ngân hàng trung ương về tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản. Các ngân hàng có thể giữ tiền mặt cao hơn hoặc bằng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc nhưng không được phép giữ tiền mặt ít hơn tỷ lệ này. Nếu thiếu hụt tiền mặt các ngân hàng thương mại phải vay thêm tiền mặt, thường là từ ngân hàng trung ương để đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đây là một trong những công cụ của ngân hàng trung ương nhằm thực hiện chính sách tiền tệ bằng cách làm thay đổi số nhân tiền tệ.
Việc thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc và do đó mức dự trữ bắt buộc ảnh hưởng đến lượng tiền cung ứng theo ba cách:
Thứ nhất, khi NHTW quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bộ phận dự trữ dư thừa trước đây của các ngân hàng chuyển thành dự trữ bắt buộc, làm giảm khả năng cho vay của hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một thành phần trong mẫu số của hệ số mở rộng tiền gửi. Vì thế sự tăng lên của tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm giảm hệ số mở rộng tiền gửi và do đó là khả năng mở rộng tiền gửi của hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên làm giảm mức cung vốn của các NHTG trên thị trường liên ngân hàng. Trong điều kiện nhu cầu vốn khả dụng không thay đổi, sự giảm sút này làm tăng lãi suất liên ngân hàng, từ đó dẫn đến tăng các mức lãi suất dài hạn và giảm khối lượng tiền cung ứng.
Quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ gây nên những ảnh hưởng ngược lại.
Lợi thế chủ yếu của công cụ dự trữ bắt buộc trong việc kiểm soát lượng tiền cung ứng là sự thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ ảnh hưởng một cách bình đẳng đến tất cả các ngân hàng. Ngoài ra đây là công cụ có quyền lực ảnh hưởng rất mạnh đến lượng tiền cung ứng. Chỉ cần một thay đổi nhỏ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể khối lượng tiền cung ứng.
Tâm lý chung của thị trường hiện nay có lẽ là mong đợi Ngân hàng Nhà nước hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, để tiền ra thị trường nhiều hơn, qua đó một mặt góp phần giảm tiếp lãi suất, một mặt tạo nguồn kích thích tăng trưởng tín dụng vốn đang khó đẩy mạnh.
Năm 2013, NHNN đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho 7 TCTD và tái cấp vốn để khuyến khích các TCTD hỗ trợ vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Nhưng với các cân đối và điều kiện hiện nay, tình huống hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc là rất khó xảy ra.
Lý do là, điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc là biện pháp mạnh, thường chỉ sử dụng khi quá bức thiết, khi các công cụ khác đã trơ hoặc quá tải. Tại nhiều thời điểm và hiện nay hệ thống có hiện tượng thừa vốn. Nếu hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong điều kiện này, chỉ thêm sự vượt quá như vậy mà thôi.
Và dư tiền cũng không có lợi. Trong năm 2013 và nửa đầu 2014 này, cùng với hoạt động mua vào ngoại tệ quy mô lớn, Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tục phát hành tín phiếu để hút bớt tiền trong lưu thông về. Bởi nếu để lượng tiền đồng quá lớn, dư thừa tiền đồng lớn có thể sẽ tạo áp lực lên lạm phát, VND mất giá mà mối quan ngại là biến động tỷ giá USD/VND. Trong bối cảnh này, cung thêm tiền ra qua hạ dự trữ bắt buộc là đồn đoán khó thuyết phục.
Xét về định hướng điều hành chính sách tiền tệ những năm gần đây, tình huống “đánh úp”, “phanh gấp” hay tạo đột ngột trong điều chỉnh chính sách là đã hạn chế. Ngân hàng Nhà nước thường đưa ra định hướng rõ ràng hơn, có những tín hiệu để người dân và doanh nghiệp có thể chủ động ứng xử.
P.N. (Tổng hợp)