Trong khi đó Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lần thứ 3 hôm 25/6 đã kết thúc những vẫn không đưa ra được bất cứ thỏa thuận nào để cứu trợ cho Hy Lạp.
Những “hạn chót” và “cơ hội cuối cùng” liên tiếp được đặt ra trong các phiên họp “vội vã”, nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ một bước đột phá nào được ghi nhận. Số phận của Hy Lạp vẫn trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Và nguy cơ nước này phải rời khỏi khối đồng tiền chung đang ngày càng lớn hơn.
Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế hiện vẫn đang chay đua với thời gian để cho ra đời một thỏa thuận mới về vấn đề nợ công của Hy Lạp. Nếu không được nhận khoản tiền 7,2 tỷ euro, Chính quyền Athens sẽ buộc phải tuyên bố phá sản từ ngày 1/7 do không có tiền trả nợ cho IMF.
Liệu Hy Lạp có thể trả nợ được cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế?
Phá sản đồng nghĩa với việc Hy Lạp phải chia tay với Eurozone, một thực tế mà cả EU lẫn Hy Lạp cùng không mong muốn bởi cái giá phải trả quá đắt.
Bởi việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone có thể tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới. Tuy nhiên điều khiến các quan chức Liên minh châu Âu (EU) lo lắng nhất hiện nay đó là nếu Hy Lạp rời khỏi khối, điều này sẽ tạo nên hiệu ứng domino, những nước từng phải sử dụng các gói trợ giúp tài chính khẩn cấp như Ireland và Bồ Đào Nha có thể sẽ bị kéo trở lại khủng hoảng.
Trước đó Chủ tịch Ngân hàng quốc gia Hy Lạp Louka Katseli cũng đã cho rằng việc để Hy Lạp ra đi không khác gì bật đèn xanh cho thị trường tấn công vào các thành viên có tiềm lực tài chính yếu thuộc Eurozone.
Không chỉ vậy hiện Hy Lạp đang là nước phải tiếp nhận nhiều người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi nhất, do đó việc Hy Lạp ra khỏi EU có thể khiến cuộc khủng hoảng người nhập cư tại châu Âu thêm trầm trọng. Bởi khi ra khỏi EU nước này sẽ không còn nỗ lực cùng các quốc gia EU khác xử lý vấn đề.
Bên cạnh những quan ngại về tác động lên kinh tế toàn cầu trong trường hợp Hy Lạp ra khỏi Eurozone, theo giới quan sát, điều Mỹ lo ngại nhất chính là nguy cơ Hy Lạp sẽ ngả vào vòng tay Nga. Điều này sẽ gây ra “những hậu quả” khó lường trước.
Minh anh (TH theo Vneconomy; Đất Việt; VOV)