Liên danh Tasco - Ngọc Sao Thủy trúng thầu dự án gần 2.300 tỷ ở Thanh Hóa

Dự án Khu dân cư và thương mại dịch vụ xã Quảng Phú, Tp. Thanh Hoá có quy mô hơn 39,6 ha với mức đầu tư gần 2.300 tỷ đã thuộc về liên danh Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy (Ngọc Sao Thủy) - Công ty cổ phần Tasco (Tasco).

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư và thương mại dịch vụ xã Quảng Phú (nay là phường Quảng Phú), Tp Thanh Hóa.

Nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy (Ngọc Sao Thủy) - Công ty cổ phần Tasco (Tasco). Thời hạn và tiến độ thực hiện dự án không quá 54 tháng (kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng). 

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Dự án Khu dân cư và thương mại dịch vụ xã Quảng Phú có quy mô hơn 39,6 ha, với tổng mức đầu tư dự án (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) là khoảng 2.256 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng khu dân cư và thương mại dịch vụ đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội; bảo đảm khớp nối về không gian kiến trúc và hạ tầng với các dự án lân cận.

Trước đó, ngày 12/6/2020, UBND tỉnh Thanh Hoá có quyết định số 2179 về việc phê duyệt kết quả sở tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trên. Theo quyết định, dự án chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển là Liên danh Ngọc Sao Thủy - Tasco.

Về liên danh nói trên, Công ty cổ phần Tasco (mã CK: HUT) vốn được mệnh danh là "ông lớn" trong lĩnh vực BOT và bất động sản. Doanh nghiệp là chủ đầu tư một số dự án như Foresa Villa - Khu đô thị sinh thái Xuân Phương (quy mô 38 ha, vốn đầu tư 2.850 tỷ đồng); Khu đô thị Mỹ Đình – Nam Từ Liêm (49 ha, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng)...

Ngoài ra, Tasco còn đầu tư xây dựng loạt dự án đường BOT quan trọng như dự án Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, tuyến đường Lê Đức Thọ - Hà Nội với tổng mức đầu tư gần 670 triệu USD.

Từ đầu năm 2020, bức tranh tài chính của của ông trùm BOT Phạm Quang Dũng ngày một xấu đi. Sau 5 quý lỗ liên tiếp, số nợ của công ty này đã tăng theo mức số nhân. Cùng với đó, Tasco còn gánh khoản nợ ngân hàng khoảng 5.300 tỷ đồng, chi phí lãi vay ước tính trong năm 2021 lên tới 330 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính mới nhất của Tasco cho thấy, trong quý II/2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 226,9 tỷ đồng, có tăng 28,7% so với cùng kỳ. Mặc dù lợi nhuận gộp đạt 82 tỷ đồng, tăng 14% nhưng con số này chưa đủ đề bù đắp cho khoản chi phí tài chính trong kỳ.

Chi phí lãi vay đè nặng cùng chi phí bán hàng nhiều gấp 12 lần quý II/2020 khiến Tasco ghi nhận lỗ ròng 49 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 5 lỗ liên tiếp của "ông trùm" BOT này.

Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, Tasco ghi nhận doanh thu tăng 34,9% so với cùng kỳ, đạt gần 463 tỷ đồng. Nhưng ở chiều ngược lại, chi phí lãi vay gia tăng mạnh, cộng thêm chi phí hoạt động khiến lợi nhuận sau thuế của Tasco âm hơn 73 tỷ đồng, tăng đột biến so với âm 9,2 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm 2020.

Đây là số lỗ đáng báo động khi trong năm 2021, Tasco đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là âm 100 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau nửa năm đơn vị đã chạm ngưỡng 73% "kế hoạch lỗ".

Về đơn vị liên danh của Tasco là Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy, công ty này có địa chỉ tại Quốc lộ 1A, thôn Quyết Thắng, xã Quảng Thịnh, Tp. Thanh Hóa. Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề hoạt động chính là kinh doanh bất động sản.

Công ty Ngọc Sao Thủy chỉ mới hơn 1 tuổi, do nữ doanh nhân Tống Thị Lan (sinh năm 1964) làm giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Ngoài làm giám đốc doanh nghiệp trên, bà Tống Thị Lan còn đại diện cho loạt doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH đầu tư phát triển khoáng sản Phong Thủy, Công ty TNHH TM Thuận Lợi, Công ty TNHH xây dựng khai thác khoáng sản Thiên Phú, Công ty TNHH đầu tư trường Đại Lộc, Công ty TNHH đầu tư Tiến Lộc, Công ty TNHH đầu tư phát triển Thuận Lợi, Công ty Cổ phần TM Ngọc Hồng PT, Công ty TNHH xây dựng và khai thác khoáng sản Thiên Phú, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển thương mại Chúc Ngọc Linh.

Tại thời điểm mới thành lập, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, gồm hai cổ đông sáng lập là bà Tống Thị Lan (70%) và ông Phạm Ngọc Sáng (30%). Trong đó, bà Lan đảm nhiệm vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Ngọc Sao Thủy. 

Bộ đôi doanh nhân Tống Thị Lan và Phạm Ngọc Sáng khá có tiếng trong lĩnh vực khai khoáng ở khu vực Thanh Hoá - Nghệ An với Công ty TNHH Ngọc Sáng được thành lập năm 2006.

Tháng 4/2020, cơ cấu cổ đông của Ngọc Sao Thuỷ có sự biến động khi bà Phạm Thị Trang thay ông Phạm Ngọc Sáng nắm giữ 30% vốn điều lệ. Đến tháng 5/2021, doanh nghiệp tăng vốn lên 700 tỷ đồng. 

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục