Lãnh đạo PV Gas: Doanh nghiệp đang sở hữu tiền mặt gần 41.000 tỷ đồng là không lớn lắm

Theo báo cáo quý 4/2023, PV GAS đang giữ khoản tiền lên tới gần 41.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tăng 18% so với đầu năm, mang lại khoảng 5,5 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng mỗi ngày.

Ngày 5/3, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã thông tin với báo chí về việc triển khai cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp theo mô hình kinh doanh tích hợp LPG/CNG/LNG.

Theo lãnh đạo PV GAS, năm 2023, PV GAS doanh nghiệp đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch và đạt được nhiều thành tích ấn tượng như: doanh thu 116 nghìn tỷ đồng, sản lượng LPG kinh doanh kỷ lục từ khi thành lập - gần 2,5 triệu tấn, hoàn thành việc tăng vốn điều lệ… Đặc biệt, PV GAS đã đưa dự án Kho cảng LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải vào vận hành từ tháng 7/2023 và là đơn vị duy nhất hiện nay được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG tại Việt Nam.

PV GAS thông tin với báo chí về việc triển khai cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp theo mô hình kinh doanh tích hợp LPG/CNG/LNG.
PV GAS thông tin với báo chí về việc triển khai cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp theo mô hình kinh doanh tích hợp LPG/CNG/LNG.

Trong thời gian tới, PV GAS sẽ khởi công giai đoạn 2 của Kho LNG Thị Vải với công suất nâng lên 3 triệu tấn/năm, dự kiến vận hành vào năm 2026. Đồng thời triển khai dự án kho cảng trung tâm LNG Sơn Mỹ tại tỉnh Bình Thuận với tổng công suất 6 triệu tấn/năm và triển khai các dự án đầu tư kho cảng LNG trung tâm tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Bên cạnh đó, PV GAS cũng thiết lập các thỏa thuận với các nhà cung cấp LNG hàng đầu trên thế giới để đảm bảo nguồn cung ổn định và cạnh tranh cho thị trường nội địa.

Liên quan tới kết quả tình hình kinh doanh năm 2023 tại PV GAS cho thấy, kết thúc năm tài chính quý 4/2023, PV GAS đang giữ khoản tiền lên tới với gần 41.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi (gần 1,7 tỷ USD), tăng 18% so với đầu năm, mang về hơn 2.000 tỷ tiền lãi, tương đương 5,5 tỷ đồng mỗi ngày. Lượng tiền này hỗ trợ đáng kể cho hoạt động kinh doanh trong năm 2023 khi chiếm tới hơn 17% lợi nhuận sau thuế.

Hiện, PV GAS đang là doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt lớn nhất trên sàn chứng khoán (không bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm).

Chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, lưu trữ, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh khí và các sản phẩm khí, kinh doanh của PV GAS có tính thanh khoản cao, do đó có lượng tiền mặt gửi ngân hàng đều đặn mỗi quý.

Liên quan tới việc PV GAS sở hữu lượng tiền mặt "khủng" này, chiều 5/3 , trả lời báo chí ông Nguyễn Công Luận, Phó tổng giám đốc PV GAS, cho rằng so với tổng tài sản khoảng 90.000 tỷ đồng của PV GAS thì lượng tiền mặt trên không lớn lắm.

Theo ông Luận, PV GAS luôn chú trọng vào đầu tư. Từ nay đến năm 2035, PV GAS có rất nhiều dự án đầu tư lớn. PV GAS xem lượng tiền mặt này là nguồn lực để đầu tư, tạo giá trị tăng thêm, mang về nhiều hơn doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp trong thời gian tới. 

PV GAS từng bị truy thu 106 tỷ đồng tiền thuế và phạt vì sai phạm về công bố thông tin 

Tháng 3/2023, PV GAS bị Uỷ ban chứng khoán xử phạt 270 triệu đồng vì sai phạm về công bố thông tin.

Cụ thể, PV Gas công bố thông tin (CBTT) không đúng thời hạn trên hệ thống CBTT của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM. Phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.

Phạt 25 triệu đồng do không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng Giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và báo cáo ĐHĐCĐ tại cuộc họp thường niên. Và phạt 125 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên HĐQT độc lập, công ty chỉ có 1 thành viên HĐQT độc lập trên tổng số 6 thành viên HĐQT.

Trước đó năm 2018, PV GAS bị Thanh tra Tổng cục Thuế truy thu thuế và nộp phạt 106 tỷ đồng.

Nguyên nhân do trong quá trình thực hiện thuế, PV GAS phát sinh một số nghiệp vụ chưa đúng dẫn đến phát sinh nghĩa vụ nộp thuế với tổng số tiền truy thu thuế phải nộp phát sinh thêm và các khoản xử lý hành chính theo quy định do chậm nộp gần 106 tỷ đồng.

Về nguyên nhân, do có sự khác nhau trong cách hiểu các quy định về pháp luật thuế cũng như quan điểm về ghi nhận doanh thu, chi phí và thời điểm áp dụng thuế suất tính thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến thanh tra đã tính toán lại và tăng số thuế phải nộp hơn 82,6 tỷ đồng.

Số tiền này bao gồm kê khai và nộp thiếu thuế giá trị gia tăng gần 1,4 tỷ đồng; tính thiếu thuế nhà thầu nước ngoài gần 345 triệu đồng; thiếu thuế thu nhập cá nhân hơn 510 triệu đồng và gần 80,4 tỷ đồng tính thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với phần xử lý vi phạm hành chính về thuế, tính từ số tiền thu thuế phải nộp tăng thêm, số tiền phạt hành chính và lãi chậm nộp hơn 23,3 tỷ đồng.

Hoàng Nhung (T/H)

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục