Làm sao để sử dụng dầu ăn đúng cách?

(Kinhdoanhnet) - Dầu là loại nguyên liệu cần thiết để món ăn thêm thơm ngon, hấp dẫn, bổ dưỡng. Tuy nhiên, để sử dụng sản phẩm đúng cách, người dùng nên sử dụng cùng lúc hai loại dầu ăn và tuyệt đối không nên chiên dầu ở nhiệt độ cao quá...

Để có sức khỏe tốt khi nấu ăn tốt nhất nên dùng cả dầu thực vật và mỡ động vật để chế biến thức ăn. Mỡ động vật vẫn có những tác dụng nhất định với cơ thể nên chúng ta vẫn cần dùng đến trong thực đơn hàng ngày.

Làm sao để sử dụng dầu ăn đúng cách? - Ảnh 1
Chỉ nên chọn những loại dầu ăn chịu được nhiệt độ cao khi chế biến các món chiên xào, nướng,...

Mỡ động vật cung cấp lipid để cấu tạo nên các bộ phận trong cơ thể, cung cấp cholesterol cho cơ thể mặc dù số lượng không nhiều. Dầu thực vật có tác dụng cung cấp các axit béo không no (omega3 và omega6).

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, với người khỏe mạnh bình thường thì nên sử dụng song song dầu thực vật mà mỡ động vật (trẻ em nên ăn theo tỉ lệ 50 - 50). Còn với người béo phì, cholestorol cao, mỡ máu, có nguy cơ tăng huyết áp, tiểu đường… thì chỉ nên dùng dầu thực vật để giảm lượng chất béo động vật vào cơ thể. Người bị xơ vữa động mạch đã có biểu hiện ra thành bệnh tim mạch thì nên ăn hoàn toàn dầu thực vật.

Khi dùng dầu thực vật, người tiêu dùng nên lưu ý một số điểm sau:

Về hiện tượng dầu đông

Lý giải về hiện tượng dầu đông, các chuyên gia tại hội thảo khẳng định: Hiện tượng dầu đông khi nhiệt độ hạ thấp là đặc tính tự nhiên của các loại dầu ăn (mỗi loại dầu ăn lại có một “điểm đông” khác nhau), hoàn toàn không phải do dầu ăn kém chất lượng.

Có những loại rất dễ đông như như dầu dừa, dầu cọ và cũng có những loại dầu khó đông hơn như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu gạo... Dầu đông không gây ra biến đổi về hóa học nên không làm thay đổi chất lượng sản phẩm, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Về màu dầu ăn

Màu dầu ăn đậm hay nhạt do đặc tính tự nhiên của từng loại dầu ăn, không ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Ví dụ: dầu đậu nành có màu vàng nhạt, dầu mè thơm có màu nâu cánh gián, dầu gạo có màu vàng sẫm.

Những nguyên tắc an toàn trong sử dụng dầu ăn

TS. Nguyễn Quang Thảo – Trưởng phòng ATTP – Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công thương khuyến cáo: với những món ăn chiên, nướng ở nhiệt độ cao thì nên chọn dầu gạo, dầu nành, dầu cọ. Cụ thể, dầu gạo vốn là một trong những loại dầu bền nhiệt, ít hao do có điểm bốc khói lên đến 2540C. Còn với các loại dầu ăn không chịu được nhiệt độ cao như dầu ô-liu extra virgin (siêu nguyên chất) thì chỉ nên dùng trộn salad, nấu canh hoặc xào ở nhiệt độ thấp.

Đặc biệt, dù với bất kỳ loại dầu ăn nào cũng không nên để ở nhiệt độ quá cao (trên 180 độ C) để đảm bảo món ăn không bị cháy và giảm giá trị dinh dưỡng. Không dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần và tuyệt đối không được trộn lẫn dầu đã dùng với dầu chưa dùng.

Dương Yến (Theo Dân trí, Dân Việt)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục