Hạ nhiệt
Cụ thể, theo phân tích của chứng khoán BIDV, thay vào mức tăng mạnh ở tuần trước, lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tuần đến ngày 30.5 giảm mạnh ở cả hai kỳ hạn giao dịch qua đêm và 1 tháng. Đặc biệt, lãi suất ở kỳ hạn qua đêm vốn là kỳ hạn có doanh số giao dịch lớn nhất có mức giảm mạnh đáng chú ý. Cho đến cuối tuần, lãi suất giao dịch bình quân ở kỳ hạn 1 tháng giảm từ mức phổ biến 4% hồi đầu tuần về quanh mức 3,5% trong khi lãi suất ở kỳ hạn qua đêm giảm sâu từ mức 3,5% xuống chỉ còn 1,5%.
Xu hướng giảm của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì suốt các phiên giao dịch trong tuần và đây là diễn biến hoàn toàn trái ngược với hai tuần trước đó. Báo cáo chi tiết vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, ngay trong tuần thứ 3 của tháng 5, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn chứng kiến mức tăng mạnh và diễn biến này cho thấy, nhu cầu vốn của các ngân hàng có dấu hiệu nóng lên trong các tuần đầu của tháng. Ở tuần thứ 3 này, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND vẫn đạt xấp xỉ 126.735 tỉ đồng, bình quân khoảng 25.347 tỉ đồng/ngày và bằng USD quy đổi ra VND đạt 80.493 tỉ đồng, bình quân khoảng 16.099 tỉ đồng/ngày. Như nhiều tuần trước đó, các giao dịch VND trong tuần này chủ yếu vẫn tập trung vào kỳ hạn qua đêm (chiếm 38% tổng doanh số VND), 1 tuần (chiếm 35%) và 2 tuần (chiếm 11%). Tương tự đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất bao gồm kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với tỉ trọng lần lượt chiếm 37%, 25% và 15% tổng doanh số giao dịch bằng USD.
Diễn biến đáng chú ý nhất cho thấy nhu cầu vốn của các ngân hàng đang có dấu hiệu tăng lên là xu hướng lãi suất tăng ở hầu hết các kỳ hạn trong tuần giao dịch thứ 3 của tháng 5. Cụ thể, lãi suất bình quân các kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tháng dao động trong khoảng 3,42-4,16%/năm, tăng 0,16-0,24%/năm so với tuần 12-16.5.2014. Ngược lại, lãi suất giao dịch bình quân bằng USD trên thị trường có xu hướng ổn định, ít biến động ở đa số các kỳ hạn với mặt bằng lãi suất bình quân các kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tháng dao động phổ biến trong khoảng 0,25-0,73%/năm.
Căng thẳng cục bộ
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong các tuần đầu của tháng 5 sau đó giảm nhiệt và bớt căng thẳng trong tuần cuối cùng là biến động đáng chú ý nhất trên thị trường này sau một thời gian ổn định. Song dù có một số thời điểm căng thẳng, biến động này theo nhiều nhận định không đáng lo ngại do chỉ mang yếu tố cục bộ và “mùa vụ”. Thực tế ngay vào thời điểm giữa tháng 5 khi lãi suất liên ngân hàng xuất hiện nhiều dấu hiệu nóng bỏng nhất do cầu vốn của các ngân hàng tăng mạnh, sự căng thẳng cũng chỉ xuất hiện cục bộ. Khối kinh doanh vốn và thị trường của Vietinbank ngay từ rất sớm nhìn nhận rằng, lãi suất liên ngân hàng vào thời điểm giữa tháng tăng mạnh chủ yếu là do một số ngân hàng thường xuyên chào nguồn ra thị trường bắt đầu chuyển sang nhận nguồn từ thị trường. Các biến động này cho thấy, thanh khoản thị trường thiếu hụt tương đối nhưng chưa đến mức hay không xảy ra tình trạng mất thanh khoản.
Ở khía cạnh khác, sự khởi sắc trở lại của tín dụng được cho là nguyên nhân khiến nhu cầu sử dụng vốn tiền đồng tăng, góp phần đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao. Bên cạnh tình hình căng thẳng leo thang xung quang vấn đề Biển Đông cũng phần nào gây áp lực lên thanh khoản toàn hệ thống. Ngược lại, chính sự bật tăng của lãi suất liên ngân hàng lại có thể là nguyên nhân chính thu hút sự quan tâm trở lại của các ngân hàng đối với thị trường mở, khiến lượng tiền NHNN bơm ra qua kênh này tăng đáng kể sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng.
Với các phân tích trên đây, thanh khoản hệ thống ngân hàng dù có dấu hiệu căng thẳng nhưng chỉ mới mang tính cục bộ tại một vài ngân hàng nhỏ. Do đó lãi suất liên ngân hàng sẽ sớm ổn định trở lại sau một vài tuần, khi tình hình chính trị thực sự bình ổn trở lại và các yếu tố cầu vốn tạm thời được giải quyết.
Theo Lao động