Lãi suất giảm nhờ lạm phát ổn định

(Kinhdoanhnet) – Trong báo cáo về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 vừa được công bố ngày 2/7, các chuyên gia Ủy ban Giám sát Tài chính (UBGSTC) Quốc gia nhận định, tỷ lệ lạm phát giảm giúp duy trì lãi suất thực.

Có thể nói lạm phát là một trong những nhân tố chủ chốt ảnh hưởng đến lãi suất tín dụng. Lạm phát tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó có hoạt động của các NHTM. Đối với các NHTM, kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, lạm phát tăng cao, sức mua đồng tiền giảm xuống, đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động huy động vốn, cho vay, đầu tư và thực hiện các dịch vụ ngân hàng.

Đối với hoạt động huy động vốn: nếu lạm phát tăng cao, việc huy động vốn của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Để huy động được vốn, hoặc không muốn vốn từ ngân hàng mình chạy sang các ngân hàng khác, thì phải nâng lãi suất huy động sát với diễn biến của thị trường vốn. Nhưng nâng lên bao nhiêu là hợp lý lại là một bài toán khó. Một cuộc chạy đua lãi suất huy động ngoài mong đợi tại hầu hết các ngân hàng luôn tạo ra mặt bằng lãi suất huy động mới, rồi lại tiếp tục cạnh tranh đẩy lãi suất huy động lên, có ngân hàng đưa lãi suất huy động gần sát lãi suất tín dụng, kinh doanh ngân hàng lỗ lớn nhưng vẫn thực hiện, gây ảnh hưởng bất ổn cho cả hệ thống NHTM.

Lạm phát tăng cao, NHNN phải thực hiện thắt chặt tiền tệ để giảm khối lượng tiền trong lưu thông, nhưng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh vẫn rất lớn, các ngân hàng chỉ có thể đáp ứng cho một số ít khách hàng với những hợp đồng đã ký hoặc những dự án thực sự có hiệu quả, với mức độ rủi ro cho phép.

Lãi suất giảm nhờ lạm phát ổn định - Ảnh 1

Mặt khác, nếu lãi suất huy động tăng cao, thì lãi suất cho vay cũng cao, điều này đã làm xấu đi về môi trường đầu tư của ngân hàng, rủi ro đạo đức sẽ xuất hiện. Do sức mua của đồng Việt Nam giảm, giá vàng và ngoại tệ tăng cao, việc huy động vốn có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên thật sự khó khăn đối với mỗi ngân hàng, trong khi nhu cầu vay vốn trung và dài hạn đối với các khách hàng rất lớn, vì vậy việc dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn trong thời gian qua tại mỗi ngân hàng là không nhỏ. Điều này đã ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các ngân hàng, nên rủi ro kỳ hạn và rủi ro tỷ giá xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Trong báo cáo về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 vừa được công bố ngày 2/7, các chuyên gia Ủy ban Giám sát Tài chính (UBGSTC) Quốc gia nhận định, tỷ lệ lạm phát giảm giúp duy trì lãi suất thực.

Khả năng huy động tiền gửi bằng VND của các nhà băng không bị ảnh hưởng trước xu hướng giảm lãi suất huy động từ đầu năm đến nay. Thanh khoản tiền đồng của hệ thống vẫn được duy trì tốt do cho vay nội tệ tăng chậm hơn huy động. Tỉ lệ cho vay/tiền gửi giảm từ 82,4% cuối năm 2013 xuống còn 79% trong tháng 5. Sau 5 tháng, cho vay VND mới tăng 1,1% so với đầu năm, chỉ bằng một nửa cùng kỳ 2013, trong khi tiền gửi bằng VND tăng 7,1%. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sau khi có dấu hiệu tăng trong tháng 5 cũng đã giảm trở lại trong tháng 6.

Ngược lại, thanh khoản đối với ngoại tệ đang chịu áp lực nhất định khi tính đến tháng 5, tiền gửi bằng ngoại tệ vào các tổ chức tín dụng giảm 5,5% thì cho vay lại tăng 7% so với đầu năm. Tỉ lệ cho vay trên tiền gửi ngoại tệ đã tăng từ 84,3% cuối năm 2013 lên 95,5% trong tháng 5.2014. Bên cạnh đó, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3% một năm lên khoảng 0,4% một năm và dao động mạnh hơn.

UBGSTC dự báo lạm phát cả năm 2014 chỉ khoảng 5% nếu không có những biến động về giá các mặt hàng cơ bản.

Hơn nữa, theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2014 của UBGSTC cũng cho thấy, tăng trưởng và sản xuất kinh tế trong nước tiếp tục được cải thiện, nền kinh tế đã thoát đáy song vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức mới.

P.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục