Trong quan hệ tín dụng giữa DN và Ngân hàng, lãi suất cho vay phản ánh giá cả của đồng vốn mà người sử dụng vốn là các DN phải trả cho người cho vay là các NHTM. Đối với các DN, lãi suất cho vay hình thành nên chi phí vốn và là chi phí đầu vào của quá trình SXKD. Do đó, mọi sự biến động về lãi suất cho vay trên thị trường cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả SXKD hay nói cách khác là tác động trực tiếp đến lợi nhuận của DN và qua đó điều chỉnh các hành vi của các hoạt động kinh tế.
Khi lãi suất cho vay của NHTM tăng sẽ đẩy chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm tăng lên, làm suy giảm lợi nhuận cũng như khả năng cạnh tranh của DN, gây ra tình trạng thua lỗ, phá sản trong hoạt động SXKD. Xu hướng tăng lãi suất Ngân hàng sẽ luôn đi liền với xu hướng cắt giảm, thu hẹp quy mô và phạm vi của các hoạt động SXKD trong nền kinh tế.
Ngược lại, khi lãi suất Ngân hàng giảm sẽ tạo điều kiện cho DN giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh. Lãi suất cho vay thấp luôn là động lực khuyến khích các DN mở rộng đầu tư, phát triển các hoạt động SXKD và qua đó kích thích tăng trưởng trong toàn bộ nền kinh tế.
Ở nước ta, do điều kiện thị trường tài chính chưa phát triển, các kênh huy động vốn đối với DN còn rất hạn chế nên nguồn vốn từ các Ngân hàng luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng, do đó, lãi suất cho vay của các NHTM luôn có tác động rất lớn đến hoạt động của các DN.
Khi không thể vay từ ngân hàng, các DN sẽ có xu hướng đi vay tại tổ chức tín dụng hay cá nhân bên ngoài. Từ đó mà phát sinh nhiều vấn đề khác nhau. Quy định của pháp luật cũng rất rõ ràng trong vấn đề này.
Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng"
Hậu quả pháp lý: Khi có tranh chấp xảy ra thì Nhà nước không bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây viết tắt là Quyết định 2868) quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/năm, có hiệu lực từ ngày 01/12/2010.
Từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể tính được mức lãi suất tối đa mà các bên thỏa thuận không được vượt quá trên 1 năm sẽ là 13,5% (9x150%), trên 1 tháng là 1,125% (13,5%/12).
Bên cạnh đó, Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về Tội cho vay nặng lãi như sau:
"1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Theo quy định của Điều luật trên, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:
Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên. Như vậy theo tính toán nêu trên thì mức lãi suất tối đa mà các bên thỏa thuận không được vượt quá trên 1 năm sẽ là 13,5% (9x150%), trên 1 tháng 1,125% (13,5%/12) và thực tế là bạn đã cho vay với mức lãi suất 60%/tháng cao hơn gấp gần 54 lần so với quy định của pháp luật (đã thỏa mãn điều kiện này).
Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
P.N. (Tổng hợp)